Kênh trợ vốn nông dân hiệu quả
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh (HTND) được thành lập theo Quyết định 211/QĐ-HND, ngày 15/12/2001 của Hội Nông dân tỉnh và đến nay 9/9 huyện, thị xã, Thành phố Huế đều thành lập Quỹ HTND với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo; nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn; tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để tạo ra các loại nông sản hàng hóa, dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao; đồng thời tạo điều kiện để Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh hoạt động, tuyên truyền, tập hợp nông dân, thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng Hội vững mạnh.
Theo Hội Nông dân tỉnh, hoạt động Quỹ HTND trong toàn hệ thống Hội phát triển ngày càng mạnh mẽ. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Quỹ HTND cấp tỉnh được ngân sách cấp 1,5 tỷ đồng; có 5/9 huyện, thị xã, Thành phố Huế đã được cấp kinh phí cho Quỹ HTND với tổng số tiền 700 triệu đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 31 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn này, Quỹ HTND tỉnh trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân 05 dự án cho 47 hộ vay với tổng số tiền 1,790 tỷ đồng. Các dự án tập trung vào hỗ trợ vốn chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản cho hội viên nông dân. Nhìn chung, các mô hình dự án được hỗ trợ vốn từ Quỹ HTND đều được đầu tư sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Tuy số vốn vay không lớn nhưng đã góp phần tích cực giúp hội viên nông dân có vốn kịp thời đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động Quỹ HTND nhiều mô hình phát triển kinh tế, thành lập các tổ hợp tác được xây dựng, góp phần tuyên truyền cho hội viên nông dân các mô hình hay, hiệu quả nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn vốn Quỹ HTND không chỉ giúp hội viên phát triển kinh tế mà còn góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tạo điều kiện để hội viên nông dân có cơ hội tập huấn khoa học kỹ thuật, kiến thức quản lý, kinh doanh, kỹ thuật sản xuất; kết nối doanh nghiệp với nông dân…, qua đó giúp một số hội viên xây dựng thành công các thương hiệu nông sản theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Nhiều mô hình hiệu quả từ nguồn vốn vay của Quỹ HTND
Từ nguồn vốn vay của Quỹ HTND đã giúp nhiều gia đình hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh chuyển đổi sản xuất với những mô hình hay trong đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản,... Nhiều hộ nông dân đã trở thành chủ doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, chủ gia trại, trang trại có thu nhập cao. Điển hình như ông Nguyễn Năm, xã Quảng Ngạn, Quảng Điền làm dịch vụ và nuôi trồng thủy sản thu nhập hằng năm trên 1,3 tỷ đồng; ông Đỗ Sanh, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền với mô hình canh tác nông nghiệp bền vững thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Một số hội viên nông dân đã nhạy bén với nhu cầu của thị trường, tích cực tìm tòi, học hỏi những kiến thức về kỹ thuật canh tác tiến bộ, năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả cao vào sản xuất, tiếp cận kịp thời với các dịch vụ hỗ trợ để áp dụng các phương pháp canh tác mới như mô hình trồng cà gai leo ở xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc; nuôi cá lóc đầu nhím ở xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc; nuôi ong ruồi ở huyện Nam Đông. Không những ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ nông dân đã tìm tòi, học hỏi để làm chủ nhiều quy trình kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực, đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất lao động, sản lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường như mô hình nuôi chình giống và thương phẩm của hội viên nông dân Lê Quang Cao ở thị trấn Sịa, Quảng Điền; mô hình trồng rừng FSC của ông Hồ Đa Thế ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc...
Hà Lam