Tại buổi làm việc, Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh đã giới thiệu tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội, tiềm năng, thế mạnh và các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung vào lĩnh vực chính là phát triển du lịch - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực.
Theo đó, cùng với ban hành các cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư thông thoáng, minh bạch, tỉnh sẽ quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển, các khu công nghiệp và Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để thu hút đầu tư và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến đầu tư vào các ngành công nghiệp như: sản xuất các mặt hàng điện, điện lạnh, điện tử; lắp ráp máy tính; sản xuất thủy tinh cao cấp, gốm cao cấp; công nghiệp phụ trợ dệt may; dược phẩm; thiết bị y tế; vật liệu xây dựng; chế biến nông lâm thủy sản; chế biến thức ăn và chăn nuôi gia súc, gia cầm; trang trại rau sạch và hoa cao cấp; nuôi trồng thủy hải sản. Đặc biệt là ưu tiên các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ, khu công nghệ cao, IT Park, Trung tâm công nghệ sinh học; Trung tâm nghiên cứu ứng dung công nghệ vật liệu mới…
Tại buổi làm việc, ngoài việc thông tin về tình hình đầu tư và hợp tác phát triển của các quốc gia tại các châu lục trong thời gian qua, cơ hội và triển vọng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới trong thời gian tới, các Tham tán đã phát biểu gợi mở nhiều triển vọng hợp tác đầu tư đối với các lĩnh vực mà tỉnh Thừa Thiên Huế có thế mạnh và tiềm năng phát triển. Nhiều ý kiến của các Tham tán cho rằng, với thế mạnh về dệt may và sản phẩm nông sản truyền thống, Thừa Thiên Huế có thể xuất khẩu các mặt hàng này sang các thị trường châu Á, châu Âu và châu Mỹ, nhất là vào các quốc gia có thị trường tiêu thụ lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đức, Pháp, Mỹ… đồng thời, Thừa Thiên Huế có thể thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, công nghệ cao, công nghệ sạch, IT Park…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã thông tin với đoàn những cam kết của tỉnh trong việc thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư tại địa phương và mong muốn trong thời gian tới, Cục Đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thu hút đầu tư nước ngoài vào Thừa Thiên Huế; nhất là hỗ trợ tỉnh tiếp cận các tổ chức quốc tế thông qua sự giới thiệu, kết nối và liên kết với các đại diện xúc tiến đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời quảng bá thông tin, hình ảnh, giới thiệu về môi trường đầu tư của tỉnh tới các tổ chức, các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Xuân Dung đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác thu hút đầu tư, nhất là đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả. Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế, tiềm năng về đất đai, môi trường và nguồn nhân lực; vì vậy, thời gian tới, tỉnh cần cần quan tâm và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tăng cường quảng bá và cung cấp thông tin về tiềm năng, thế mạnh cho các nhà đầu tư nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau; Bộ và các đại diện xúc tiến đầu tư nước ngoài luôn ủng hộ và sẵn sàng kết nối với các nhà đầu tư, các đối tác nước ngoài để thúc đẩy và mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.
Sông Hương