Phát huy tiềm năng, lợi thế về diện tích và các ngành nghề trong NN, nông thôn, hệ thống các công trình thuỷ lợi ở Thành phố tiếp tục phát huy tác dụng, chủ động cung cấp nước tưới, tiêu úng và ngăn lũ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, úng ngập gây ra. Việc cơ giới hóa trong sản xuất NN, nhất là các khâu làm đất, thu hoạch được đẩy mạnh (trên 98% diện tích được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp); mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa được phát triển, sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được hình thành ở một số địa phương, giúp nông dân từng bước tiếp cận thị trường, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang sản xuất theo mô hình liên kết hợp tác. Ngoài ra, nuôi trồng thủy sản có bước phát triển ổn định thông qua chuyển đổi phương thức nuôi xen ghép, đưa nhiều đối tượng nuôi mới có hiệu quả.
Về trồng trọt, diện tích gieo trồng cả năm của Thành phố đạt 9.500 ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 43.500 tấn. Về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), UBND thành phố Huế đã triển khai quy định mới về quy trình đánh giá sản phẩm Chương trình OCOP; thành lập Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp Huyện và đã tổ chức đánh giá 04 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao. Ngày 07/8/2023, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 6863/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm: Bạch liên ngự trà, Hoa sen giấy Thanh Tiên, Bánh ép Huế One Food, Sâm Bố chính ngâm mật ong, nâng tổng số sản phẩm Ocop lên 10 sản phẩm. Chỉ đạo thi công xây dựng nâng cấp, sửa chữa các công trình bao gồm thủy lợi như Hồ Khe Nước, 25 công trình kênh mương nội đồng, 02 trạm bơm cấp nước để đảm bảo tưới tiêu, tăng tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương nội đồng trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa và giám sát dịch bệnh thường xuyên được kiểm tra nên không bị động trong công tác phòng dịch.
Năm 2024, thành phố Huế tiếp tục phát triển kinh tế tập thể gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; rà soát lại khu vực chăn nuôi trong khu dân cư đảm bảo thực hiện theo đúng quy định; cơ cấu lại ngành sản xuất NN theo hướng thâm canh, hiện đại, kịp thời đưa vào sử dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa lĩnh vực NN. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư vào sản xuất NN, nông thôn, góp phần làm đa dạng hình thức tổ chức sản xuất, nhất là triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả, thu nhập cao cho người dân nông thôn.
Đồng thời, tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, hình thành chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số để giảm chỉ chi phí đầu tư, nâng cao giá trị kinh tế trong nông nghiệp. Khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để triển khai các mô hình khuyến nông, khuyến ngư có hiệu quả, có khả năng nhân rộng; xây dựng các mô hình nông nghiệp phục vụ du lịch tại các địa bàn có lợi thế....Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với người nông dân để thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, ứng dụng công nghệ mới trong canh tác, đưa giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế, đáp ứng một phần nhu cầu của người dân Thành phố và khách du lịch.
Thái Hùng