353
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 27/08/2022 23:11
Tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định
Hai năm trở lại đây, cây sâm Bố Chính đã tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập ổn định cho không ít lao động người đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới.

Chúng tôi về cánh đồng sâm Bố Chính, xã Quảng Nhâm khi cả chủ và người lao động đang tất bật việc việc thu hoạch sâm.

Trong câu chuyện, nhiều lao động nơi đây cho biết, khoan nói về năng suất, chất lượng, nhưng loại cây này đã cho người dân có công ăn việc làm thường xuyên. Điều này, đồng nghĩa với việc bà con có thu nhập, cuộc sống vì thế mà ổn định hơn trước.  

Anh Hồ Văn Tú, đang thu hoạch sâm Bố Chính tâm sự, năm ngoái, trên cánh đồng sâm này có 12 hộ dân là người xã Quảng Nhâm mạnh dạn trồng 2ha sâm Bố Chính cho thu nhập ổn định. Năm nay, các hộ gia đình tiếp tục trồng với diện tích nhiều hơn. Điều quan trọng là bà con đã nắm được quy trình, kỹ thuật trồng nhờ sự “đồng hành” của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện A Lưới.

Cùng với xã Quảng Nhâm, nhiều người dân của thị trấn A Lưới cũng đã tích cực trồng cây sâm Bố Chính. Kết quả, 15 hộ trồng, với 3ha đã cho thu nhập cao.

“Nếu như trước đây, tôi chỉ chú trọng trồng các loại cây hoa màu, nhưng 2 năm nay, tôi đã chuyển sang trồng sâm Bố Chính cho thu nhập cao hơn nhiều. Một sào sâm, trồng trong vòng 8 tháng, tôi thu 45 triệu đồng”, ông Lê Đằng, trú tại tổ dân phố 3, thị trấn A Lưới tâm sự.

Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có không ít lao động trẻ cũng đã mạnh dạn đầu tư, trồng và chăm sóc cây sâm Bố Chính. Hồ Thị Diệp Linh, Phó Bí thư xã Đoàn Hồng Thượng phấn khởi, với quỹ đất 800m2 của gia đình, mình trồng 2.500 cây sâm Bố Chính. Khó khăn về nguồn vốn đầu tư đã có Huyện đoàn A Lưới hỗ trợ, nên mình rất yên tâm. Hiện, không chỉ Hồng Thượng mà, trên địa bàn huyện A Lưới có rất nhiều thanh niên đã biết ý thức lao động, tìm tòi những mô hình mới để vừa tạo công ăn việc làm, vừa tăng năng suất lao động.

Nhận thấy sâm Bố Chính mang lại nguồn kinh tế bền vững cho bà con các vùng dân tộc thiểu số, Công ty TNHH SBC Hoàng Gia do bà Hồ Nhật Phương làm Giám đốc đã hỗ trợ về kỹ thuật và đứng ra thu mua với mục đích đảm bảo đầu ra, giúp bà con địa phương yên tâm trong quá trình sản xuất.

Số sâm sau khi thu mua của bà con được công ty chế biến thành các sản phẩm dược liệu như: Sâm sấy khô, rượu sâm, mứt sâm… Công ty cũng đã và đang liên kết với các siêu thị, chuỗi cửa hàng trong và ngoài tỉnh để đưa sản phẩm sâm Bố Chính đến người tiêu dùng nhiều hơn.

Chia sẻ về dự định sắp tới của mình, bà Phương cho biết, công ty xây dựng và phát triển bằng được vùng nguyên liệu tại huyện A Lưới, giúp bà con người dân tộc thiểu số tại đây thay đổi giống cây trồng và cải thiện kinh tế, làm chủ được vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGap, hướng đến vùng nguyên liệu hữu cơ.

Liên tiếp những ngày qua, lãnh đạo tỉnh, huyện và các sở, ban, ngành của tỉnh đã lên với A Lưới để thực tế trên những cánh đồng trồng sâm Bố Chính. Mục tiêu là, xây dựng A Lưới trở thành một trong những vùng dược liệu có giá trị; mở ra một hướng làm ăn mới cho người lao động nơi đây. Phấn đấu, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo xuống mức thấp nhất, sớm đưa A Lưới thoát ra khỏi một trong 74 huyện nghèo của Quốc gia trong năm 2023.

Quá trình khảo sát, ông Trần Đình Dũng, chuyên viên kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện A Lưới cho biết, người lao động và không ít bà con đã làm chủ được quy trình, nắm bắt được một số kỹ thuật trồng sâm. Thời gian tới, mô hình trồng sâm Bố Chính tiếp tục được triển khai nhân rộng trên địa bàn và các xã lân cận, với tổng diện tích nâng lên nhiều hơn hiện nay. Điều chúng tôi vui mừng, phấn khởi là cây sâm Bố Chính đã tạo được công việc ổn định cho nhiều lao động tại chỗ.

“Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều dự án công nghệ trên địa bàn huyện A Lưới; trong đó, có dự án trồng sâm Bố Chính mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có công ăn việc làm, phát triển kinh tế trở thành cánh đồng sâm lớn”, ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trao đổi.

Mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện A Lưới đã đi kiểm tra 2 mô hình phát triển kinh tế của người dân ở xã Quảng Nhâm, đó là, trồng sâm Bố Chính và chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ bày tỏ sự vui mừng khi thấy sự nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế của các hộ dân. Đồng thời, động viên các hộ dân luôn biết nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn, chăm chỉ trong sản xuất để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.  

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, huyện A Lưới cần xác định, nông nghiệp vẫn là chủ lực. Xã Quảng Nhâm còn 937 hộ nghèo, cần có phương án, tìm hiểu nhu cầu từng hộ để bố trí, giảm tỷ lệ hộ nghèo phù hợp. Giảm nghèo bền vững chính bằng việc, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn định cho từng hộ gia đình.

Anh Phong