2485
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 14/05/2020 10:39
Tăng sức cạnh tranh nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 05-NQ/TW
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế (Nghị quyết 05-NQ/TW, ngày 04/11/2016); Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 7 đã ban hành Kế hoạch 33-KH/TU, ngày 19/4/2017 đã đề ra các mục tiêu, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trao bằng khen cho các doanh nghiệp xuất sắc năm 2019

Qua 3 năm thực hiện, nhờ vào sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nổ lực của các ngành các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành các mục tiêu chủ yếu mà Kế hoạch 33 đề ra, trong đó lao động qua đào tạo đạt 65%/ năm, giải quyết việc làm mới từ đạt trên 16000 lao động/năm; hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng bình quân 6%/năm; năm 2019, Thừa Thiên Huế đứng thứ 20 toàn quốc về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và đứng thứ 02 chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT).

Trong thời gian qua, mặc dù năng suất lao động của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, năng suất lao động chưa tương xứng với kỳ vọng. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 05-NQ/TW, ngày 04/02/2020 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị 07/CT-TTg về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia. Qua đó, trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng suất lao động. Đối với một số lĩnh vực, có thể cho phép áp dụng các mô hình thử nghiệm thể chế, chính sách với thời gian, phạm vi cụ thể.

Thực hiện các chính sách kinh tế ưu đãi về thuế, tín dụng… đối với các doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu để tăng năng suất, đặc biệt có chính sách hỗ trợ việc sớm áp dụng tự động hóa và đầu tư cho công nghệ tự động hóa và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhằm chủ động tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cả về nội dung và chất lượng. Trong đó, chú trọng bổ sung các nghề phù hợp với thực tiễn sản xuất ở địa phương, gắn với các vùng nguyên liệu của tỉnh, đặc biệt là các nghề sản xuất, khai thác, chế biến thủy hải sản. Có các chính sách, cơ chế tuyển dụng, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kế hoạch đào tạo, các lớp kỹ năng thực thi công vụ, bồi dưỡng công nghệ thông tin đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm bảo đảm năng lực, nâng cao chất lượng thực thi công vụ.

Bảo Long - VPTU