15
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 21/12/2024 09:49
Tăng cường năng lực ứng phó thiên tai thông qua Quỹ phòng chống thiên tai
Thống kê của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc Gia cho thấy, mỗi năm, Miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng thường hứng chịu 5-8 cơn bão, tập trung nhiều từ tháng 07 đến tháng 11. Nguồn lực để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai luôn là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm nhằm giảm thiểu những thiệt hại do bão lũ gây nên. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, Quỹ Phòng chống thiên tai ra đời và đi vào hoạt động nhờ sự chung tay đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động, nhờ đó đã giúp tăng cường năng lực ứng phó cũng như đẩy nhanh quá trình tái sản xuất, phục hồi kinh tế sau thiên tai.
Có Quỹ Phòng chống thiên tai, các cơ sở sẵn sàng nguồn lực trong công tác ứng phó

Xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền – nơi vẫn được xem là “vùng trũng của những vùng trũng”. Nằm ở vùng hạ du sông Bồ, tháng 10 đến giữa tháng 12 hằng năm là thời điểm địa phương này thường xuyên chìm trong nước lũ. Với nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai được đóng góp từ CBCCVC chính quyền xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng người lao động tự do trên địa bàn, địa phương luôn sẵn sàng các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho các tình huống cấp bách. Đối với các vùng bị cô lập do nước lũ, địa phương trích từ nguồn quỹ để mua sắm lương thực, nhu yếu phẩm và đưa đến tận tay cho bà con. Ông Phan Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền chia sẻ: “Nguồn Quỹ phòng chống thiên tai được địa phương sử dụng hiệu quả trong công tác ứng phó, cứu trợ bão lụt. Nhờ đó nhiều năm qua, địa phương đã rất chủ động về nguồn lực, giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây nên”.

Để người dân vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng do thiên tai thấy được lợi ích khi có được Nguồn Quỹ tại cơ sở vững mạnh cho các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ đó có trách nhiệm hơn đóng góp Quỹ Phòng chống thiên tai các cấp là cách làm hay mà nhiều địa phương đang áp dụng. Nhà văn hóa thôn Bao La, xã Quảng Phú nhiều năm trở lại đây ngoài là điểm sinh hoạt của cộng đồng, còn là kho dự trữ các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho công tác cứu hộ cứu nạn. Từ áo phao cho đến cô-le để di chuyển ở các vùng nước sâu đều được trang bị cho đội cứu hộ cơ sở trích từ nguồn quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương. Nhờ đó, công tác cứu hộ, cứu nạn tại đây ngày một chuyên nghiệp hóa, giảm thiểu những thiệt hại đáng tiếc, đặc biệt về tính mạng trong thiên tai. “Trước đây khi không có Quỹ phòng chống thiên tai, bà con phải tự chế các phương tiện như  thuyền bè chuối để đi cứu trợ các vùng sâu, nay có Quỹ, chúng tôi tự tin sắm thuyền bè chuyên dụng và phao bơi, công tác cứu hộ trở nên chuyên nghiệp hơn”. Ông Thái Văn Phước, Trưởng thôn Bao La – Đức Nhuận, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền cho biết.

Quy định mức đóng Quỹ Phòng chống thiên tai đối với người lao động là bắt buộc.

Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập theo quyết định số 1962/2018 của UBND tỉnh TT – Huế và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021 cho đến nay. Riêng trong năm 2024, Thừa Thiên Huế triển khai thu gần 08 tỷ đồng. Trên nguyên tắc UBND cấp xã giữ lại 28%, UBND cấp huyện giữ lại 23% số thu trên địa bàn đã tạo nguồn lực để địa phương chủ động khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây nên trên địa bàn. Giai đoạn 2023 – 2024, trong bối cảnh tình trạng sạt lở bờ biển, xâm thực biển diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được khoảng 9,38km/21km kè chống sạt lở bờ biển tại các đoạn xung yếu với tổng kinh phí khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết:” Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, việc huy động nguồn lực từ xã hội hóa thành công sẽ góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, qua đó bảo đảm phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh nhà”. 

Thể hiện tinh thần tương thân, tương ái trong những lúc khó khăn, hoạn nạn vẫn luôn là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Do đó bên cạnh những ràng buộc mang tính quy định pháp lý, thời gian tới, việc đóng quỹ phòng chống thiên tai đối với các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động vẫn được khuyến khích trên tinh thần tự giác, để từng bước lan tỏa ý nghĩa nhân văn, chung tay vì cộng đồng của Quỹ Phòng chống thiên tai; từng bước hình thành một cộng đồng vững mạnh trước những diễn biến phức tạp, khốc liệt của mưa lũ trong tương lai.

Thành Nhân