15
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 13/01/2025 22:21
Siết chặt quản lý, ổn định thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, đây là dịp nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa của người dân càng tăng cao. Để đáp ứng thị trường, nhu cầu của người dân, đảm bảo cung ứng hàng hóa, các đơn vị cung ứng, kinh doanh liên quan trên địa bàn hiện đang tích cực đảm bảo việc sản xuất, cung ứng, tiêu dùng của thị trường. Việc chủ động của các đơn vị sẽ không chỉ đảm bảo thị trường hàng hóa tiếp tục dồi dào, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, mà còn góp phần bình ổn giá cả. Tuy nhiên, bởi nhu cầu thực phẩm tăng cao, nên người tiêu dùng không khỏi lo lắng khi mà hàng gian, hàng giả, thực phẩm không đạt chất lượng vẫn xuất hiện trên thị trường nên rất cần các lực lượng chức năng liên quan tích cực, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa nhằm ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm tuồn vào thị trường, qua đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhà sản xuất, giúp người dân vui Xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Người dân mua sắm tết tại siêu thị GO! Huế

Dù còn hơn 2 tuần nữa mới đến tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nhưng thị trường hàng hóa đang “nóng” lên từng ngày. Không khí Tết tại các chợ truyền thống cũng đang dần sôi động. Hàng hóa được bày bán tại các chợ rất phong phú, đa dạng từ thực phẩm cho đến hàng tiêu dùng, trong đó nổi bật là quần áo, đồ trang trí tết, các mặt hàng bánh kẹo, đồ dùng thiết yếu…

Bà Trần Thị Liên là một trong những tiểu thương kinh doanh lâu năm tại chợ Đông Ba. Cũng như mọi năm để phục vụ nhu cầu của khách tiêu dùng dịp Tết bà đã chuẩn bị số lượng lớn về các hàng hóa được nhập từ các địa phương trên cả nước. Chất lượng và nguồn gốc xuất xứ luôn được bà Liên cũng như các tiểu thương tại chợ Đông Ba quan tâm. “Cứ đến dịp tết tôi lại chuẩn bị đa dạng hàng hóa các loại, đặc biệt là bánh kẹo tết, bên cạnh đó việc đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái” bà Trần Thị Liên, tiểu thương chợ Đông ba chia sẻ thêm.

Đa dạng hàng hóa được siêu thị sắp xếp cho người dân mua sắm Tết

Ban quản lý chợ Đông Ba cho biết đơn vị đã chuẩn bị nguồn hàng hóa, thực phẩm dồi dào phục vụ thị trường Tết; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. Tính đến thời điểm này, giá cả thị trường tương đối ổn định, các sản phẩm được niêm yết giá công khai, rõ ràng; các hoạt động dịch vụ - thương mại đều đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bà Trần Thị Tường Vy, Trưởng ban quản lý Chợ Đông Ba chia sẻ: “Chúng tôi đã tuyên truyền cho các tiểu thương trong việc nhập hàng hóa để bán tết, đồng thời cam kết hàng hóa phải chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ để đáp ứng nhu cầu của người dân mua sắm tết”.

Không riêng gì tại các chợ mà các cửa hàng, siêu thị, thị trường hàng hóa tết phục vụ nhu cầu của người dân cũng sôi động. Tại siêu thị Go! Huế cho biết để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đồng thời kích cầu tiêu dùng, ngay từ sớm đơn vị đã chuẩn bị hàng hóa dồi dào đồng thời triển khai nhiều chương trình ưu đãi giảm giá, tập trung các sản phẩm đặc trưng ngày Tết như: bánh kẹo, mứt, thực phẩm, bia - nước giải khát, đồ trang trí... đảm bảo nguồn cung ổn định, tránh gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như biến động về giá tới tay người tiêu dùng. Bà Phạm Thị Thu Trang, Giám đốc Siêu thị GO! Huế chia sẻ: “Đơn vị đã chuẩn bị hàng hóa để cung ứng cho thị trường Tết từ vài tháng trước, đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, không cho phép tồn trữ hay kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Để thu hút khách hàng, đơn vị còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn như mua 1 tặng 1, giảm giá 50% và tặng quà khi mua hàng”.

 Lô hàng gần 3 tấn bị Cục quản lý thị trường thành phố Huế thu giữ do vi phạm về hành chính.

Nhằm ngăn chặn tình trạng hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời điểm giáp Tết Nguyên đán, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quyền lợi của người tiêu dùng. Cục Quản lý thị trường thành phố Huế đã chủ động tập trung vào công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tuyên truyền, vận động; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ông Đào Xuân Ky, Phó Cục trưởng Cục Quản Lý thị trường thành phố Huế cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các Đội Cục Quản lý thị trường tăng cường bám địa bàn, thu thập thông tin, nắm chắc diễn biến thị trường nhằm kịp thời nhận diện các vấn đề mới, nổi cộm, phức tạp để có biện pháp đấu tranh phù hợp. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức theo dõi, kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong đó, chú ý đến các mặt hàng thường được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như: thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, đường cát, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm, pháo nổ, pháo hoa các loại. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và phối hợp với các cơ quan, đơn vị đấu tranh phòng, chống các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… trên môi trường mạng thông qua các sàn thương mại điện tử, website, các trang mạng xã hội”.

Lô hàng được Cục quản lý thị trường thành phố Huế tiến hành tiêu hủy

Việc tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ Nhân dân dịp Tết Nguyên đán Ấy Tỵ năm 2025 không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội mà còn thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn.

Nguyễn Hiếu