Theo đó, để được nuôi tôm chân trắng phải đảm bảo điều kiện về hệ thống ao nuôi, hệ thống xử lý nước cấp và chất thải... Cụ thể hồ nuôi có diện tích mặt nước tối thiểu 3.000 m2; độ sâu tối thiểu 2,0 m, có cống cấp và thoát nước riêng biệt. Phải có ao lắng dùng để trữ nước và xử lý làm sạch nước trước khi cấp cho các ao nuôi; vùng nuôi tôm phải có hệ thống xử lý nước thải từ ao nuôi tôm trước khi thải ra môi trường, có kênh cấp và kênh thoát nước riêng biệt.
Cơ sở nuôi tôm phải đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng cho vận hành sản xuất. Đối với các cơ sở nuôi tôm cao triều ven phá khuyến khích cộng đồng người nuôi thực hiện xây dựng hệ thống kênh cấp, thoát nước và hệ thống bơm nước cho cả vùng.
Việc thả nuôi phải bảo đảm tuân theo khung lịch thời vụ. Trước khi thả giống, phải cải tạo ao nuôi với các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu mầm bệnh và cải thiện chất lượng đáy ao, bảo đảm thời gian gián đoạn tối thiểu 01 tháng sau mỗi đợt nuôi.
Giống thả nuôi thả nuôi phải được kiểm dịch của cơ quan thú y, chấp hành quy định về xét nghiệm, đặc biệt đối với một số bệnh nguy hiểm. Cỡ giống thả nuôi tối thiểu Postlarvae 12 (P12), chiều dài tối thiểu 9 mm. Mật độ tôm giống thả nuôi thâm canh từ 60 - 100 con P12/m2. Chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng thức ăn tươi sống.
Hiện tại nuôi tôm chân trắng đang tự phát trên vùng đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế - nơi hội tụ các yếu tố đa dạng sinh học vùng nước lợ bậc nhất Đông Nam Á, đang có nguy cơ gây ô nhiêm môi trường và ảnh hưởng đến da dạng sinh học, vì vậy, quy định riêng về đối tượng nuôi này nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đầm phá.
Song Trần