Bước vào vụ Hè Thu năm nay từ đầu vụ đến nay, thời tiết diễn biến rất phức tạp nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến các diện tích lúa của người dân. Qua thống kê toàn huyện đã có hơn 100,5ha bị nhiễm chua phèn ở các địa phương Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Phước và Quảng Phú.
Tại địa bàn xã Quảng Thọ với tổng diện tích lúa Hè Thu hơn 288ha ở 2 HTX sản xuất nông nghiệp Quảng Thọ 1 và Quảng Thọ 2. Tuy nhiên do thời tiết năng nóng gay gắt, toàn xã đã có hơn 17,3ha bị nhiễm phen, trong đó HTX sản xuất nông nghiệp Quảng Thọ 1 hơn 15ha, HTX Quảng Thọ 2 hơn 2,3ha. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cây lúa bị nhiễm phen là do trên các đồng ruộng vùng thấp trũng sau khi thu hoạch lúa đông xuân, người dân xử lý chất chua phen trên các diện tích lúa chưa được kỹ, thêm vào đó sau khi gieo sạ lúa Hè thu gặp thời tiết diễn biến gay gắt nên toàn bộ diện tích lúa vừa gieo sạ ở các cánh đồng Bồ Lồ, Hồ Tương và nhiều nơi khác bị nhiễm phen thiệt hại trên 70% diện tích.
Cũng như nhiều nông dân khác vụ Hè Thu năm nay gia đình ông Nguyễn Chuẩn, xã viên nông dân HTX sản xuất nông nghiệp Quảng Thọ 1 gieo sạ 7 sào lúa, sau khi gieo sạ 1 tuần thay vì lúa nảy mầm ra lá non thì toàn bộ diện tích lúa của nhà ông bị nhiễm phen buộc phải gieo sạ lại.
Theo ông Trần Kìm, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết, để đảm bảo năng suất sản lượng theo đúng kế hoạch đề ra, UBND xã đã phối hợp các ngành chức năng của huyện tiến hành kiểm tra trên các đồng ruộng. Sau kiểm tra UBND xã đã triển khai các biện pháp bảo vệ mùa màng vụ hè thu, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác phòng chống nhiễm phèn và thiếu nước trên các diện tích ruộng lúa. Đối với 17ha lúa bị nhiễm phen tỷ lệ trên 70% UBND xã đã chỉ đạo 2 HTX sản xuất nông nghiệp hướng dẫn bà con tiến hành gieo sạ lại.
Tăng cường công suất hoạt động trạm bơm phục vụ tưới nước cho lúa hè thu.
Cùng với việc phòng chống các diện tích lúa bị nhiễm phèn, vấn đề đang được các địa phương trên địa bàn huyện đặc biệt quan tâm đó là công tác chống hạn. Do vậy, trước khi bước vào sản xuất vụ Hè Thu, các địa phương đã triển khai nạo vét các tuyến kênh mương dẫn nước để đảm bảo lượng nước cho đồng ruộng. Tại HTX số 1 thị trấn Sịa ngay trong đợt ra quân nay đã có hơn 70 xã viên nông dân tham gia nạo vét các tuyến kênh trộ. Cùng với việc huy động lực lượng nạo vét kênh mương, các HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị trấn Sịa đã tiến hành liên hệ thuê máy bơm, làm việc với đại lý xăng dầu để dự phòng số nhiên liệu và sửa chữa lại một số máy bơm bị hư hỏng trước đây.
Cùng với thị trấn Sịa, xã Quảng Lợi cũng đã chỉ đạo Hội Nông dân kết hợp với Ban Quản lý thủy nông xã, sau khi thu hoạch xong lúa vụ Đông Xuân 2020 - 2021, tiếp tục huy động nhân dân nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy. Đồng thời, xây dựng kế hoạch khắc phục, tu sửa, nạo vét kênh mương ở các đồng ruộng và một số đê đập trên đồng ruộng. Phối hợp với đơn vị quản lý công trình hồ chứa nước Đồng Bào có kế hoạch điều tiết lượng nước phù hợp với yêu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất. Vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm và thực hiện biện pháp tưới tiết kiệm.
Ông Phan Đăng Bảo, PCT UBND xã Quảng Lợi cho biết, do đặc thù của địa bàn nằm ở vùng đất cát phá thịt, lượng nước cung ứng cho sản xuất lúa Hè Thu hàng năm là rất lớn, những năm trở lại đây nhờ có trạm bớm Tây Hưng 1 tình trạng thiếu nước trên diện rộng cơ bản đã được khắc phục nhưng không vì thế mà UBND xã chủ quan. Theo dự báo, năm nay thời tiết diễn biết rất phức tạp, nguy cơ thiếu nước rất lớn nên UBND xã đã chỉ đạo Hội nông dân, hội phụ nữ, lực lượng đoàn viên thanh niên tiến hành ra quân nạo vét các tuyến kênh mươn thủy lợi, ao hồ chưa nước Thủy Lập; tiến hành hợp đồng với đơn vị quản lý trạm bơm Tây Hưng 1, Ban Quản lý hồ chứa nước Nam Giảng để đảm bảo cùng ứng nước sản xuất cho lúa và rau màu vụ hè thu. Vấn đề quan trọng nhất là vận động khuyến khích bà con nông dân phải nâng cao ý thức tiết kiệm nước, kiểm tra các tuyến đê đập, bờ ruộng để tranh nước thất thoát rò rĩ.
Để chủ động phòng, chống hạn hán, đảm bảo sản xuất vụ Hè Thu, Ban Thương vụ Huyện ủy Quảng Điền chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch, phương án chống hạn hán và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, nhất là đối với những diện tích đất trồng lúa bị khô hạn thường xuyên thiếu nước tưới sang cây trồng cạn sử dụng ít nước hơn. Cần điều tra, đánh giá, xem xét khả năng cấp nước trong vụ Hè Thu năm 2021 để chủ động xác định ngay từ đầu vụ việc tiếp tục trồng lúa hay chuyển đổi sang trồng cây rau màu khác nhằm tránh thiệt hại thấp nhất có thể xảy ra, đặc biệt ở các vùng như HTX: Thắng Lợi, Tín Lợi (xã Quảng Lợi), Lãnh Thủy (xã Quảng Ngạn), Thành Công (xã Quảng Công),… Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chuẩn bị tốt các phương án chống hạn hán. Vận động nhân dân tham gia làm công tác thủy lợi: bảo vệ công trình đầu mối, tổ chức phát dọn, gia cố kênh mương nội đồng để tích nước, phòng chống khi có hạn hán xảy ra và các diễn biến xấu của thời tiết. Tăng cường tuyên truyền về tình hình hạn hán có thể xảy ra để người dân có ý thức, chủ động thực hiện biện pháp tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất; chủ động chuyển đổi cây trồng thích hợp trên vùng đất bị hạn. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ sử dụng các giống cây trồng cạn ngắn ngày, có khả năng chống chịu hạn, tổ chức liên kết các doanh nghiệp tham gia thu mua nông sản, cây làm thức ăn gia súc... trên địa bàn với các địa phương đưa ra phương án hợp tác ngay từ dầu vụ sản xuất; liên hệ với các doanh nghiệp, địa phương chủ động nguồn cung ứng giống, vật tư, phân bón cho cây trồng chuyển đổi. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các địa phương làm thủy lợi như: Tu sửa, nạo vét kênh mương; sửa chữa trạm bơm, công trình thủy lợi; chuẩn bị máy bơm dã chiến để bơm tận dụng các nguồn nước đảm bảo phục vụ tưới.
Công Cường