Ông Trương Viết Hiệp trú tại thôn Thủy Yên Thượng, xã Lộc Thủy cho biết, đã sử dụng chế phẩm Emuniv, Trichodecma để sản xuất phân hữu cơ được 1 năm. Gia đình ông tận dụng bã tràm, trấu, rơm rạ, mùn cưa, cây phân xanh, phân chuồng để ủ làm phân cho cây trồng rất hiệu quả, từ đó bớt chi phí để mua các loại phân bên ngoài. Trong quá trình triển khai thực hiện, ông được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc hỗ trợ kỹ thuật và tập huấn nhiều lần.
Ông Trương Viết Hiệp cho biết thêm, trước đây, gia đình không tận dụng được phế phẩm nông nghiệp hoặc đổ đống ngoài vườn. Hiện nay, phế phẩm nông nghiệp, bã tràm đã chưng cất được sản xuất thành phân hữu cơ và đã bón ngược lại cho cây tràm, lúa, cây ăn quả và rau thì sinh trưởng, phát triển tốt. “Cây trồng khi bón phân này thì lá không được xanh như khi bón phân vô cơ nhưng lá xanh dần và cây tốt lâu”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện trả lời câu hỏi của bà con liên quan đến việc ủ phân.
Tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc là cái nôi của vùng tràm nguyên liệu với diện tích sản xuất hơn 70ha. Sau khi bà con nấu dầu thì bã tràm rất nhiều. Từ thực trạng đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức tập huấn cho bà con sử dụng chế phẩm Emuniv, Trichodecma để sản xuất phân hữu cơ.
Ông Trương Viết Du, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thủy hào hứng chia sẻ, đây là mô hình thuận lợi cho bà con nhiều mặt trong việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp và bớt chi phí mua các loại phân bón cho cây trồng, ruộng lúa. Qua thời gian bón phân và phân tích thì cho thấy cây tràm phát triển tốt và cây lúa cho năng suất cao hơn. Thời gian tới sẽ tổ chức tập huấn và tuyên truyền cho bà con để nhân rộng mô hình này.
Tại hộ tham gia mô hình.
Ông Hoàng Phi Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lộc thông tin, việc sử dụng bã tràm lâu nay là vấn đề nan giải của xã Lộc Thủy và lấy bã tràm ủ để bón lại cho cây tràm là mô hình mới. Chúng tôi đề xuất phương án để UBND huyện công bố quyết định. Trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, theo dõi, chỉ đạo để duy trì và phát triển mô hình này.
Không riêng xã Lộc Thủy, nghề nấu dầu tràm cũng đang phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tại một số địa phương khác của huyện Phú Lộc. Vì vậy, việc tái sử dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay có thể nói là việc làm cần thiết, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm phát khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường, qua đó góp phần hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững.
Ngọc Hiếu