555
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 28/07/2022 21:07
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện A Lưới 20 năm - Hành trình với sứ mệnh giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới
Hai mươi năm - một chặng đường, Với những thành quả đáng ghi nhận trên lĩnh vực giảm nghèo bền vững, tạo việc làm mới, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới - Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện A Lưới đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội, góp phần đưa diện mạo nông thôn miền núi A Lưới ngày càng khởi sắc.

Đến thăm mô hình kinh tế trang trại tổng hợp trồng rừng, nuôi bò và heo hữu cơ của ông Nguyễn Hải Teo, một hộ đồng bào dân tộc ở xã Quảng Nhâm, có quy mô diện tích 03 ha, với tổng mức thu nhập hàng năm từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.  Song, ít ai biết được trước đây ông Teo là một trong những hộ đồng bào thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Được biết, năm 2004 sau khi tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo với đồng vốn ban đầu 8 triệu đồng, từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện A Lưới, ông Teo cùng các thành viên trong gia đình đã bắt tay vào vỡ đất, khai hoang trồng rừng. Sau chu kỳ 5 năm, rừng trồng được đưa vào khai thác, hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt. Từ nguồn thu rừng trồng, không chỉ hoàn trả được vốn vay mà còn giúp gia đình thoát khỏi diện hộ nghèo, có của ăn của để. Năm 2015, được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho các hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn về đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, với doanh số vay 130 triệu đồng sau 3 lần vay vốn, ông Teo đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng chuối già lùn kết hợp với nuôi heo sạch. 

Xác định đúng tôn chỉ mục đích đã đề ra “Không vì mục tiêu lợi nhuận” mà phải thể hiện rõ vai trò, vị thế của mình về loại hình tín dụng ưu đãi, trong những năm qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện A Lưới đã tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách; hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Gia đình bà Trần Thị Đơn, những năm trước đây được biết đến là một trong những hộ nghèo của xã A ngo. Mặc dù vợ chồng tần tảo quanh năm nhưng vẫn không thoát khỏi cái nghèo. Thời điểm này, việc tìm được nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất chăn nuôi là vấn đề không phải dễ. Với nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi chính sách đã giúp cho không ít hoàn cảnh gia đình hộ nghèo, đối tượng chính sách xoá được đói, giảm được nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó, gia đình bà Trần Thị Đơn là một điển hình đáng ghi nhận. Năm 2016, nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, bà Đơn đã có thêm điều kiện và nguồn lực để đầu tư vào trồng rừng, mua thêm giống bò, trâu để phát triển chăn nuôi. Hiện nay, ngoài trồng rừng, bà Đơn còn có 12 con bò, 04 con trâu, 02 ha rừng. Bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 170 triệu đồng, trừ mọi khoản chi phí lãi gần 140 triệu đồng.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách, đến nay đã có hơn 03 lượt hộ trên địa bàn xã A Ngo được vay vốn, với tổng dư nợ lên đến 26.741 triệu đồng, bình quân mỗi hộ được vay 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi này, đã có hơn 800 lượt hộ cải thiện được đời sống, 65 hộ thoát nghèo hàng năm, hơn 150 việc làm mới được tạo ra thông qua cho vay giải quyết việc làm và các chương trình tín dụng khác; xóa nhà tạm và xây mới hơn 200 ngôi nhà cho hộ nghèo thông qua chương trình vay vốn hộ nghèo về nhà ở theo Quyết đinh 167. Đặc biệt, chương trình cho vay ưu đãi dành cho vùng khó khăn đã giúp cho không ít hộ gia đình có thêm điều kiện mở rộng quy mô đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm hàng năm và xã đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đại dịch Covid 19 đã làm ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và huyện A Lưới nói riêng. Sau đại dịch, để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của người dân; Đảng, nhà nước đã Ban hành nhiều chính sách đặc biệt Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Thực hiện Nghị quyết 11, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã phối hợp với các phòng ban của huyện, chính quyền địa phương các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị xã hội, Thôn trưởng, Tổ TK&VV rà soát, chuyển tải nguồn vốn đến với người dân bị ảnh ảnh bởi đại dịch Covid19 một cách nhanh và hiệu quả nhất. Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã thực hiện giải ngân nguồn vốn theo Nghị quyết 11 là 12.666 triệu đồng với 03 chương trình cho vay GQVL, HSSV mua máy tính, Nhà ở xã hội. Đến với gia đình bà Hồ Thị Miếu Thuộc diện hộ nghèo có con đang học lớp 12 trường Trung học phổ thông A Lưới Chưa có máy tính; Sau khi tiếp cận được nguồn vốn NHCSXH từ chương trình cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gia đình đã mua cho con 01 máy tính để thuận lợi trong quá trình học tập.

Để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến với cơ sở một cách nhanh chóng và hiệu quả, vai trò Tổ TK&VV hết sức quan trọng. Tổ tiết kiệm vay vốn chính là cầu nối giữa hộ nghèo và các đối tượng chính sách với Ngân hàng CSXH, qua đó  giúp cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn một cách thuận tiện, nhanh chóng cũng như giám sát quản lý nguồn vốn này hiệu quả hơn. Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV) thuộc Thôn Tà Roi, xã A Ngo là một điển hình như thế. Toàn Tổ TK&VV hiện có 60 hộ thành viên, với tổng dư nợ trên 02 tỷ đồng, bình quân dư nợ mỗi hộ 37 triệu đồng. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và chất lượng tín dụng, đảm bảo công khai, dân chủ trong việc xét duyệt đối tượng vay vốn, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý, cho vay thông qua hình thức ủy thác cho các tổ chức chính trị xã hội (CTXH) thực hiện một số công việc trong quy trình tín dụng. Đến 30/6/2022, Dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức CTXH (Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn TNCSHCM) đạt hơn 403 tỷ đồng, chiếm 99,94% tổng dư nợ của NHCSXH huyện. Với kết quả thực hiện trong thời gian qua, có thể khẳng định phương thức ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức CTXH là cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, phù hợp với tính chất của tín dụng chính sách, được các cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của một loại hình ngân hàng đặc thù, hoạt động không vì lợi nhuận, ngay sau khi thành lập tuy còn nhiều khó khăn. Song, được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị xã hội, sự chỉ đạo quyết liệt của chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp; tập thể cán bộ, viên chức Ngân hàng CSXH huyện A Lưới đã nỗ lực thực hiện tốt những mục tiêu đặt ra, đó là thực hiện tốt tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế và ổn định xã hội trên địa bàn.

Nếu như khi mới thành lập Ngân hàng CSXH huyện A Lưới nhận bàn giao 02 chương trình tín dụng, thì đến nay đơn vị đã thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ, với tổng dự nợ đến ngày 30/6/2022 đạt hơn 404 tỷ đồng, tăng 396 tỷ đồng, tăng 53 lần so với khi mới thành lập, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 24%/năm.  Tổng doanh số cho vay trong 20 năm qua trên địa bàn huyện là: 1.086 tỷ đồng, bình quân đạt 57 tỷ đồng/năm. Tổng doanh số thu nợ đạt trên 687 tỷ đồng, góp phần đáng kể trong tạo lập nguồn vốn để cho vay quay vòng các chương trình tín dụng chính sách.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân cũng như giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ tín dụng một cách nhanh chóng, kịp thời, từ năm 2006 đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã xây dựng và duy trì hoạt động thường xuyên 18 Điểm giao dịch tại 18 xã, phường, thị trấn. Điểm giao dịch xã ra đời không chỉ là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính  mà còn là nét ưu việt đặc thù riêng có của hệ thống Ngân hàng CSXH, hiện đang phát huy hiệu quả trong hoạt động và được các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như đối tượng khách hàng đánh giá cao.

Dù ở chương trình hay lĩnh vực nào, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng được Ngân hàng CSXH huyện A Lưới quản lý chặt chẽ và phát huy hiệu quả. Đây chính là nền tảng và cơ sở để đơn vị tiếp tục phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách, cũng như tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách tiếp cận được nguồn vốn này một cách thuận lợi nhất trong thời gian tới.

Có thể khẳng định rằng, thông qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội, 20 năm qua Ngân hàng CSXH huyện A Lưới đã góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và ổn định xã hội trên địa bàn, thực sự trở thành công cụ đắc lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp trong việc thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 12,56% (cuối năm 2021) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Điều này không chỉ góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị xã hội mà còn làm thay đổi diện mạo bộ mặt từ thành thị đến nông thôn.

Với chương trình xây dựng Nông thôn mới hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách càng có ý nghĩa và vai trò quan trọng hơn trong quá trình thúc đẩy các địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như: tiêu chí hộ nghèo, tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt chuẩn quốc gia, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giáo dục, độ che phủ rừng…Nhờ vậy đến nay, trong tổng số 17 xã phấn đấu xây dựng Nông thôn mới của toàn huyện, đã có 04 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, có 04 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 13 xã đạt tiêu chí về lao động việc làm, 17 xã đạt tiêu chí giao dục và đạo tạo, 08 xã đạt về tiêu chí môi trường, 08 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư…góp phần làm thay đổi diện mạo và bức tranh nông thôn huyện A Lưới ngày càng rõ nét.

Với những bước tiến đột phá không ngừng và thành tựu đạt được đáng tự hào trong hành trình 20 năm qua, Ngân hàng CSXH huyện A Lưới không chỉ dừng lại ở hoạt động tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách mà còn đảm bảo vấn đề an sinh xã hội thông qua các chương trình cho vay giải quyết việc làm, đã giúp cho trên 2 nghìn lao động được tạo việc làm mới; với chương trình cho vay học sinh- sinh viên đã đáp ứng cho trên 2 nghìn trường hợp có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức đến trường. Đây là chương trình tín dụng chính sách thể hiện tính nhân văn của Đảng, Nhà nước ta góp phần trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Chương trình cho vay cải tạo công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã có trên 17 nghìn công trình nước sạch được xây dựng đạt chuẩn quốc gia, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, cho vay thương nhân hoạt động thương mại vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở.

Năm 2022, đánh dấu 20 năm xây dựng và phát triển của Ngân hàng CSXH huyện A Lưới. Nhìn lại hành trình 20 năm qua, Ngân hàng CSXH huyện đã có nhiều nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thành sứ mệnh giảm nghèo bền vững  và xây dựng nông thôn mới, để chung tay góp sức cùng với Đảng bộ, chính quyền địa phương huyện thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế và giữ vững ổn định xã hội trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện A Lưới lần thứ XII.

Ngoài làm tốt công việc chuyên môn, cán bộ đoàn viên công đoàn và người lao động của Ngân hàng Chính sách xã hội còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn huyện,; thực hiện trao tiền kịp thời cho các là chưa lành Chương trình cặp là yêu thương; hỗ trợ Trung tâm y tế huyện A Lưới để mua sắm công cụ, dụng cụ, thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19, tặng quà cho hộ nghèo, hộ gặp khó khăn. Công đoàn bộ phận đã vận động đoàn viên Công đoàn đóng góp gây quỹ An sinh xã hội và tích cực tham gia ủng hộ các hoạt động từ thiện ở địa phương;  

Song, phần thưởng cao quý nhất đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện A Lưới trong suốt 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển chính là nhận được sự tin yêu của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị xã hội trong công cuộc giảm nghèo và tạo việc làm mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra. Đây cũng là nền tảng, cơ sở và tiền đề để Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục đồng hành chia sẻ cùng người nghèo và nỗ lực thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2025.

Thanh Ngàn