Ngày 04/10/2002 Chính Phủ Ban hành Nghị định số 78 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, để đưa Nghị định vào cuộc sống, tại huyện Phong Điền, năm 2003 Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được thành lập, với mục tiêu hoạt động của Ngân hàng CSXH là phục vụ công cuộc xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện ưu đãi về lãi suất cho vay, thủ tục thuận tiên và các điều kiện đơn giản. 20 năm qua nguồn vốn chính sách đã đến với các đối tượng thụ hưởng chính sách đã đến với các thôn, xóm, kể cả vùng sâu, vùng xa trên toàn địa bàn huyện, đồng thời khẳng định đây là một giải pháp có tính nhân văn sâu sắc, một trong những điểm sáng trong cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện phải tinh giảm biên chế, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí xã hội, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phong Điền đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua việc ủy thác tín dụng với 4 tổ chức chính trị xã hội huyện gồm Hội Phụ Nữ, Hội Nông Dân, Hội Cựu Chiến Binh, Đoàn Thanh Niên với 64 hội cấp xã, thị trấn. Việc thực hiện công tác ủy thác vốn tín dụng chính sách của các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy thế mạnh của các tổ chức trong việc tập hợp lực lượng, bình xét, quản lý, đôn đốc, kiểm tra, trả nợ, trả lãi của đối tượng thụ hưởng, việc sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả. Đến nay, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý nguồn vốn ủy thác với dư nợ trên 442 tỷ đồng, với 10.597 hộ vay vốn, sinh hoạt tại 286 Tổ tiếp kiệm vay vốn.
Vốn là người khiếm thị, anh Nguyễn Ngọc Duy ở xã Phong Bình là một điển hình vay vốn sản xuất để nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Từ hai bàn tay trắng, bằng quyết tâm và sự hỗ trợ của Hội người mù và được tiếp cận nguồn nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phong Điền năm 2014 với số tiền 30 triệu đồng, anh Duy đã đầu tư xây dựng chuồn trại nuôi lợn, già và trồng 50 cây bưởi trên mãnh đất gia đình. Tuy nhiên do dịch tả lợn châu phi nên đàn lợn của gia đình anh chết, bao nhiêu vốn liến đầu tư của gia đình xem như mất trắng. Nhận thấy khó khăn của gia đình anh Duy, năm 2020 thông qua tổ vay vốn, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Điền tiếp tục giải ngân cho gia đình anh vay 50 triệu đồng để chuyển đổi sản xuất qua nuôi bò. Với nguồn đó anh Duy quyết mua 4 con bò về nuôi, qua quá trình nuôi anh đã xuất bán được 5 con, hiện tại gia đình anh còn 11 con bò, đến nay gia đình anh Duy đã trả tiền vay đúng hạn hàng tháng, hiện cuộc sống gia đình anh Duy ngày một đi lên.
Không riêng gì gia đình anh Duy, anh Lê Phước Lần thôn Đông Phú xã Phong Bình sau bao năm bôn ba đi làm may thuê xa nhà, năm 2018 anh Lần quyết định trở về địa phương lập nghiệp. Với số vốn ít ỏi dành dụm của vợ chồng, năm 2020 anh Lần được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phong Điền giải ngân cho vay 70 triệu đồng để sản xuất kinh doanh, anh quyết định mở một cơ sở gia công may mặc tại gia đình. Tuy nhiều do tình hình dịch COVID -19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, bên cạnh đó số lượng hàng nhận gia công sản xuất chỉ cầm chừng. Năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Điền đã giải ngân cho gia đình anh Lần vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc, duy trì và mở rộng việc làm để khôi phục kinh tế sau dịch, anh đã mua thêm phương tiện máy móc, mở rộng sản xuất. Đến nay cơ sở gia công may mặc của gia đình anh Lần hoạt động ổn định và đã có nhiều đơn hàng đặt hàng, giải quyết việc làm cho gần 30 lao động tại địa phương với thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng mỗi lao động.
Ông Lê Xuân Trung, Giám đốc NHCSXH huyện Phong Điền cho biết, thực hiện Nghị định số 78 ngày 04/10/2002 của Chính Phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, từ ngày thành lập Phòng giao dịch NHCSXH huyện chỉ thực hiện 2 chương trình tín dụng là cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm, sau gần 20 năm thực hiện tăng lên 18 chương trình cho vay với tổng dư nợ đến ngày 30/6/2022 đạt 443,5 tỷ đồng, tăng 425,3 tỷ đồng. Đã có trên 77.772 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH để sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc giúp cho gần 6.500 lượt hộ thoát nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ năm 2003 là 12,32% xuống còn 3,80% cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo mới. Giải quyết việc làm cho trên 4.371 lao động, đã có trên 16.744 hộ ở khu vực nông thôn được vay vốn để cải tạo và xây dựng mới trên 22.325 công trình nước sạch và trên 11.163 công trình nhà vệ sinh đạt chuẩn; giúp cho trên 6.199 em vay vốn để đóng học phí và trang trải học tập; có 144 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại 02 bản Hạ Long và Khe Trăn thuộc xã Phong Mỹ vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ giúp 1.090 hộ nghèo xây được nhà ở kiên cố…
Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Hoàng Văn Thái chia sẽ, gần 20 năm hình thành và phát triển, có thể khẳng định mô hình hoạt động của Ngân hàng CSXH thể hiện rõ tính ưu việt, mang đậm tính nhân văn sâu sắc đã giúp cho hàng chục nghìn hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn huyện được vay vốn để tạo việc làm, phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Từ đó góp phần quan trọng để huyện thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện. Đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phong Điền thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra, tiến tới xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã trước năm 2025.
Trần Minh