Huyện Phong Điền xác định Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng tâm và chuyển biến mạnh mẽ. Giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 14,8%/năm, chiếm 59% trong cơ cấu kinh tế. Khu công nghiệp Phong Điền thu hút 14 dự án đầu tư, trong đó 13 dự án đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ 39,11% vốn đăng ký, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt 35%, giải quyết việc làm cho 7.990 lao động. Các nhà máy sản xuất công nghiệp hoạt động ổn định, có hiệu quả và đang mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, địa phương tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư bằng các giải pháp như đẩy nhanh công tác GPMB, đầu tư kết cấu hạ tầng đặc biệt là về hạ tầng giao thông ở các khu vực dự kiến kêu gọi đầu tư, đồng thời kết nối hạ tầng hạ tầng liên vùng để giảm thiểu chi phí giao thông phục vụ cho khu công nghiệp. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống có chuyển biến tích cực, ngành nghề đã được mở rộng và đa dạng hóa về sản phẩm, được thị trường tiếp nhận. Triển khai quy hoạch các điểm TTCN, cụm TTCN để đầu tư hạ tầng. Triển khai Đề án phát triển làng nghề đệm bàng Phò Trạch theo hướng phát triển du lịch và sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường; đầu tư xây dựng Nhà trưng bày sản phẩm Mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, khôi phục nghề gốm Phước Tích. Các nghề, làng nghề truyền thống tiếp tục được duy trì và phát triển như: Điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, đan lưới Vân Trình, nón lá Phong Sơn, nghề ép dầu lạc, nấu dầu tràm, dầu sả, mộc dân dụng, sản xuất vật liệu xây dựng... Toàn huyện, hiện có 08 làng nghề được tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Sản xuất của các làng nghề truyền thống được quan tâm phát triển từ vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất đến kết nối thị trường tiêu thụ; mô hình doanh nghiệp tham gia phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm đang được chú trọng; bước đầu hình thành các liên kết phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Nhà máy xi măng Đồng lâm
Du lịch, dịch vụ đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng và hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của địa phương. Khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, bình quân tăng 19%/năm. Công tác quy hoạch các điểm có tiềm năng du lịch được triển khai: Khu du lịch Đông Bắc, khu vực Ngũ Hồ, khu vực thượng nguồn sông Lâu, biển Điền Lộc. Du lịch cộng đồng Làng cổ Phước Tích bước đầu thu hút được khách du lịch; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại Thanh Tân Spa, A Đon, Khe Me, Hồ Quao… đang thu hút sự quan tâm của một số nhà đầu tư. Bên cạnh đó, địa phương quan tâm, tích cực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch cũng như thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nhờ vậy lượng khách du lịch đến ngày càng tăng, bình quân hàng năm đạt 120.000 lượt người, doanh thu hơn 20 tỷ đồng, thu nhập người dân được cải thiện. Dịch vụ thương mại phát triển mạnh, góp phần đảm bảo lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và đời sống của nhân dân. Quy hoạch mạng lưới xăng dầu, mạng lưới chợ nông thôn và các điểm thương mại. Hệ thống chợ nông thôn được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới chợ Minh Tâm (thị trấn Phong Điền), chợ Mới (xã Điền Hải); công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ đang được triển khai góp phần tăng cường công tác quản lý hoạt động thương mại trên địa bàn; bước đầu hình thành hệ thống thương mại, tín dụng tại trung tâm An Lỗ và thị trấn Phong Điền.
Theo ông Hoàng Bá Nghiễm - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phong Điền, phát triển CN-TTCN là khâu đột phá, tạo cơ sở phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thời gian qua, huyện quan tâm, cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện các quy hoạch đầu tư xây dựng, và có các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư, nhờ đó sản xuất CN-TTCN trên địa bàn có bước phát triển tích cực. Huyện chỉ đạo tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển CN-TTCN của Trung ương, tỉnh, huyện đến các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về không gian sản xuất, mặt bằng thuê đất, giải quyết thủ tục hành chính, thuế, đào tạo nghề...; khuyến khích các thành phần kinh tế vào đầu tư sản xuất kinh doanh; bố trí quỹ đất, lựa chọn địa điểm phù hợp để quy hoạch xây dựng, phát triển các khu, cụm CN. Các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN trong việc hỗ trợ, tư vấn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình và kịp thời chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tận dụng lợi thế vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, Phong Điền nằm trên tuyến đường huyết mạch chính của hành lang kinh tế Đông Tây nối với Lào - Thái Lan - Mianmar từ của khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển của miền Trung; điều kiện giao thông khá thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy. Qua địa bàn huyện có các giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường Cam lộ - Túy Loan, tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc qua huyện. Cách không xa trung tâm huyện lỵ và các khu công nghiệp có sân bay Phú Bài (khoảng 50 km) và sân bay quốc tế Đà Nẳng (khoảng 120km). Với nguồn nhân lực lớn, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành CN-TTCN dồi dào, huyện đã chú trọng đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Huyện cũng chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn kết hợp với huy động nguồn lực tại địa phương đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để CN-TTCN phát triển, xây dựng nông thôn mới.
Có thể khẳng định, nhờ sự chỉ đạo điều hành, tập trung thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, có chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp, nên giá trị sản xuất CN - TTCN của huyện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Phát triển CN-TTCN đã giúp huyện đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Ông Hoàng Văn Thái - Quyền Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, nhấn mạnh: “Xác định phát triển CN-TTCN là khâu đột phá đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế địa phương, huyện Phong Điền đã tập trung thực hiện tốt công tác lãnh chỉ đạo, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về CN-TTCN; tăng cường xúc tiến thương mại thu hút các dự án đầu tư, tìm kiếm mở rộng thị trường, huy động nguồn lực, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng CN-TTCN - làng nghề truyền thống, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; quan tâm chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường. Tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút các dự án đầu tư, xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Văn Bốn