Xác định phát triển kinh tế vùng gò đồi là một trong những chương trình trọng điểm của huyện, trong những năm qua, huyện Phong Điền đã thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng trên vùng gò đồi theo chủ trương Nghị quyết số 12-NQ/HU, ngày 29/6/2007 của Huyện ủy (khoá XI) gắn với 05 năm thực hiện Kết luận số 17-KL/HU, ngày 06/12/2012 của Huyện ủy (khóa XII) về phát triển kinh tế - xã hội vùng gò đồi.
Theo đó, các loại cây được bà con nông dân vùng gò đồi chú trọng phát triển với diện tích khá lớn, gồm cây cao su với 1.793 ha cao su, tăng 411 ha so năm 2006, trong đó: diện tích đưa vào khai thác khoảng 1.386 ha, sản lượng mủ bình quân hàng năm khoảng 4.850 tấn. Diện tích cây cao su tập trung ở xã: Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Xuân và một ít tại xã Phong Thu và thị trấn Phong Điền; rừng sản xuất với diện tích 11.756,3 ha, cây lúa 3.146 ha; sắn nguyên liệu 1.500 ha; cây ăn quả 434 ha với các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân như cây thanh trà, cam, bưởi da xanh ở các xã như: Phong Thu, Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ và thị trấn Phong Điền với diện tích hiện có hơn 504 ha, tăng 304,5 ha so năm 2006. Đến nay, đã có 27 vườn Thanh trà ở Phong Thu được tham gia nhãn hiệu tập thể Thanh trà Huế. Cây lạc với diện tích lạc toàn vùng 1.011 ha, chiếm 91,93% diện tích lạc toàn huyện, năng suất bình quân đạt 22,5 tạ/ha. Đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lạc ở các xã: Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong An; đã triển khai nhiều cơ sở ép dầu lạc quy mô hộ gia đình để tiêu thụ, chế biến nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Về chăn nuôi, tính đến hết năm 2017, toàn vùng có 3.076 con bò, chiếm 49% tổng đàn bò toàn huyện, tăng 298% so với năm 2007, trong đó, bò lai sind có 1.815 con, chiếm 59% tổng đàn. Đàn lợn có 9.270 con, chiếm 31,4% tổng đàn toàn huyện, giảm 45,3% so với năn 2007, trong đó, đàn lợn nạc có 6.750 con, chiếm 73% tổng đàn.
Với tiềm năng, thế mạnh của mình, vùng gò đồi được xác định là vùng đất phát triển công nghiệp khai khoáng như: đá vôi, nước khoáng nóng…, công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng. Trong đó, Nhà máy xi măng Đồng Lâm hoạt động hiệu quả và đang mở rộng dây chuyền 2, giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động, nhà máy gạch Tuynen 1.5 và các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Khu Công nghiệp Phong Điền phát triển ổn định. Việc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được quan tâm, từ cơ chế chính sách của Nhà nước trong phát triển nghề, làng nghề và lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất đã tiếp cận được nguồn vốn khuyến công, vốn sự nghiệp khoa học công nghệ để đầu tư thêm trang thiết bị, cải tiến mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm. Nhiều ngành nghề đã có được chỗ đứng trên thị trường như: Tương măng Phong Mỹ, Nón lá Thanh Tân, ép dầu lạc và nhiều ngành nghề khác đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động tại địa phương.
Là vùng được xác định có thế mạnh về du lịch sinh thái với nhiều cảnh quan thiên nhiên như: Suối nước nóng Thanh Tân, hồ Quao, khe Me, thác A Đon và các di tích lịch sử như: Chiến khu Hòa Mỹ, dốc Ba Trục,… Hoạt động du lịch - dịch vụ ở Khu du lịch nước nóng Thanh Tân đã thu hút được lượng lớn khách du lịch ở trong và ngoài nước. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người vùng gò đồi đạt 33 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,6%.
Đến cuối năm 2017, đã có 9/10 chỉ tiêu của Nghị quyết số 12 và 5/8 chỉ tiêu của Kết luận số 17 đạt theo kế hoạch đề ra. Tuy kinh tế - xã hội của vùng gò đồi trên địa bàn huyện Phong Điền có bước phát triển bước đầu, song vẫn chưa tương xứng và chưa khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh sẵn có, nhất là trong lĩnh vực phát triển du lịch và các loại dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp phát triển chưa thực sự bền vững, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, các sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp còn đơn lẻ, tính cạnh tranh thấp. Hoạt động của các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp còn lúng túng, hiệu quả thấp, kinh tế trang trại phát triển chậm, quy mô nhỏ. Công tác quy hoạch chi tiết vùng và quy hoạch sản xuất triển khai chậm. Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn vẫn còn hạn chế; tỷ lệ hộ dùng nước sạch còn thấp so với mặt bằng chung của huyện. Việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn minh nông thôn có mặt chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Đồng chí Nguyễn Văn Vui - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Điền cho biết: “Để phát triển kinh tế vùng gò đồi theo hướng bền vững và hiệu quả, trong thời gian tới, huyện Phong Điền sẽ tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững. Trong đó thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện các ngành nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hàng hóa, sản phẩm chủ lực của vùng là: Lạc, sắn, cao su, gỗ, cây ăn quả, bò, lợn. Tập trung mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp ngắn và dài ngày, cây ăn quả, dược liệu theo hướng chuyên canh. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nâng cao chất lượng đàn gia súc, nhất là phát triển nhanh đàn bò, lợn, gà theo hình thức trang trại, nuôi thuỷ sản nước ngọt. Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như: Kinh tế trang trại, kinh tế vườn, vườn - rừng, mô hình sản xuất công nghệ cao. Phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp, chăm sóc, bảo vệ tốt vốn rừng, tích cực trồng rừng kinh tế, trồng rừng gỗ lớn, gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để phát triển dịch vụ thương mại, du lịch với trọng tâm. Phát triển và đa dạng hóa các loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch mà trọng tâm là ở thị trấn Phong Điền, Phong Mỹ và Phong Sơn. Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển các loại hình du lịch cộng đồng. Hình thành và kết nối các tour, tuyến du lịch trên địa bàn như: Thanh Tân Spa - thác A Đon, Khe Me - hồ Quao - Chiến khu Hòa Mỹ - Dốc Ba Trục - làng cổ Phước Tích”.
Ngoài ra, huyện sẽ tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tăng cường xúc tiến đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào Khu công nghiệp Phong Điền, từng bước lấp đầy diện tích đất tại khu công nghiệp. Khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương để ưu tiên phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, khuyến khích phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn. Khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: nón lá, tương măng. Đẩy mạnh quá trình đô thị hóa gắn với thực hiện chương trình nông thôn mới, huy động mọi nguồn lực để tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa. Tập trung mọi nguồn lực phấn đấu xây dựng thành công nông thôn mới xã Phong Mỹ trong năm 2018 và đến năm 2020 thêm 02 xã là Phong Xuân, Phong Thu. Đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, tiếp tục thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng như di tích chiến khu Hòa Mỹ, dốc Ba Trục,... Khôi phục các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững; thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4%, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.
Trần Minh