27
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 10/02/2025 15:57
Phong Điền tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân
Vụ Đông Xuân 2024-2025, toàn thị xã Phong Điền gieo cấy 4.950 ha lúa, đạt 100% kế hoạch; lúa đại trà đang giai đoạn đẻ nhánh, nhìn chung cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Nông dân Phong Điền chăm sóc lúa vụ Đông Xuân

Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phong Điền cho biết: Nhằm đạt kết quả tốt trong sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025, đặc biệt trong công tác chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trong thời gian tới. UBND thị xã đã chỉ đạo UBND các xã, phường và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt các nội dung: Đối với cây lúa, tiến hành chăm sóc, tỉa dặm đảm bảo mật độ, bón phân thúc sớm, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, cân đối NPK theo đúng quy trình giúp cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe ngay từ đầu vụ, tăng khả năng chống chịu với sinh vật gây hại, điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Thường xuyên kiểm tra theo dõi đồng ruộng để phát hiện và hướng dẫn bà con nông dân phòng chống các đối tượng sinh vật gây hại kịp thời, đăc biệt là bệnh đạo ôn lá trên các giống nhiễm như Nếp, J02, TH5... nhất là trên những vùng đất cát, có tầng canh tác mỏng, bón phân không cân đối. Khuyến cáo bà con nông dân hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật với mục đích phòng từ sau khi sạ đến 40 ngày. Tiếp tục chỉ đạo các HTX, tổ hợp tác, thực hiện đồng bộ các biện pháp tổng hợp để diệt chuột và ốc bươu vàng nhằm hạn chế thiệt hại. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn nhằm thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, sinh vật gây hại cây trồng và các đối tượng sinh vật gây hại chính tại các khu vực cụ thể để bà con nông dân biết và chủ động các biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.

Đối với các cây trồng ngắn ngày khác, tranh thủ thời tiết thuận lợi tiếp tục làm đất để gieo trồng lạc, sắn, rau màu các loại... đảm bảo khung lịch thời vụ; đồng thời tăng cường đầu tư thâm canh, chăm sóc, bón phân đúng theo quy trình kỹ thuật nhằm đạt được năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không gieo trồng các cây rau, màu khi thời tiết rét đậm, rét hại. Theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp quản lý và phòng chống trên diện hẹp. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn giống sắn trước khi trồng; Thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng trước khi trồng mới; khuyến cáo nông dân không sử dụng giống sắn đã bị nhiễm bệnh khảm lá để trồng trong niên vụ 2025.

Đối với cây dài ngày, hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên vệ sinh vườn, cắt tỉa các cành vượt, sâu bệnh, khơi thông hệ thống thoát nước. Tăng cường chăm sóc, bón phân cân đối cho cây ăn quả, cây công nghiệp... đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển và chống chịu các đối tượng sinh vật gây hại. Các HTX, tổ hợp tác phối hợp với cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp phụ trách địa bàn, tăng cường công tác theo dõi, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp xử lý bệnh chảy gôm, bệnh muội đen, sâu vẽ bùa, sâu đục thân... trên cây ăn quả; Bệnh héo đen đầu lá, xì mủ, loét sọc miệng cạo trên cây cao su; Bệnh chết nhanh, chết chậm, thán thư, rệp sáp trên cây hồ tiêu. Tiếp tục theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời.

Đề nghị Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi phối hợp với các địa phương có phương án vận hành hợp lý các công trình thuỷ lợi, bảo vệ diện tích lúa đã gieo cấy và xây dựng các phương án tiêu úng kịp thời và điều tiết nước hợp lý để đảm bảo đủ nước trong vụ Đông Xuân 2024-2025. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã phân công cán bộ tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo, hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng theo nguyên tắc “4 đúng”; chủ động phối hợp với các địa phương hỗ trợ tập huấn, chú trọng theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các mô hình trình diễn về ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới.

Tiến Dũng