17
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 02/04/2025 17:26
Phong Điền tăng cường chỉ đạo sản xuất và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây lúa vụ Đông Xuân
Vụ Đông Xuân 2024-2025, toàn thị xã Phong Điền đã gieo, cấy 4.950 ha lúa. Đến nay, có 45 ha lúa một vụ và lúa gieo sạ sớm của một số đơn vị như Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Hiền, Phong Thạnh… đã trổ vè, diện tích lúa đại trà đang giai đoạn đứng cái - làm đòng. Nhìn chung thời tiết thuận lợi nên lúa sinh phát triển khá tốt, dự kiến lúa trổ đại trà từ 10 -15/4/2025.
Vụ Đông Xuân 2024-2025, toàn thị xã Phong Điền đã gieo, cấy 4.950 ha lúa

Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Phong Điền cho biết: “Về tình hình sinh vật gây hại, qua điều tra trên đồng ruộng, hiện nay xuất hiện một số đối tượng như: Bệnh đạo ôn lá xuất hiện cục bộ trên các giống nhiễm đã được bà con nông dân phun trừ; bệnh khô vằn đã phát sinh gây hại trên các chân ruộng gieo sạ dày; sâu cuốn lá nhỏ gây hại rải rác, mật độ 3-5 con/m2, nơi cao 10-15 con/m2, sâu hiện nay xuất hiện nhiều độ tuổi khác nhau, dự kiến lứa gối sẽ nở tập trung từ ngày 07-12/4/2025. Ngoài ra, bệnh vàng lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá gây hại cục bộ, rải rác”.

Để vụ Đông Xuân thắng lợi, UBND thị xã Phong Điền đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với UBND các xã, phường hướng dẫn các Hợp tác xã, các đơn vị sản xuất nông nghiệp và bà con nông dân quản lý và phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại trên cây lúa.

Bà con nông dân Phong Điền tích cực chăm sóc cây lúa

Theo đó, đối với bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt: tiến hành phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa trổ vè thưa (3-5%) và sau khi lúa trổ xong (phun sau lần 1 khoảng 7 ngày) bằng một trong các loại thuốc như: Beam 75WP, Map-Famy 70WP, Fuji-one 40WP, EC, Filia 525SC,… Kết hợp phun phòng bệnh lem lép hạt bằng một trong các loại thuốc như: Tilt Super 300EC, NeVo 330EC, Anvil 5SL,… Đối với bệnh khô vằn: kiểm tra trên các chân ruộng gieo sạ dày, có vết bệnh thì tiến hành phun trừ ngay bằng các loại thuốc như: Validacin 3L, 5L, Valivithaco 3L, Vivil 5SC,… Đối với sâu cuốn lá nhỏ: dự báo sâu non sẽ nở tập trung từ 07/4-12/4/2025 gây hại lá đòng. Đề nghị các Hợp tác xã, đơn vị sản xuất nông nghiệp phối hợp với cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp điều tra kỹ, đánh giá mật độ, khả năng gây hại để chỉ đạo phun trừ nơi có mật độ cao (giai đoạn lúa làm đòng, trổ mật độ sâu >20con/m2) bằng các loại thuốc như: Vitako 40WG, Chief 260EC, Map Premethrin 50EC, SOLO 350SC. Sau phun từ 2-3 ngày, kiểm tra lại tỷ lệ sâu chết thấp hoặc sau khi phun gặp mưa thì phải tiến hành phun lại lần hai. Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: kiểm tra theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy trên đồng ruộng, nhất là trên các giống nhiễm, các vùng bị rầy gây hại nặng hàng năm để chủ động phun trừ nơi có mật độ cao (> 1.500 con/m2) bằng các loại thuốc có hoạt chất Pymetrozine, Nitenpyram, Dinotefuran,… Đồng thời bà con nông dân tiếp tục diệt chuột bằng mọi biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại do chuột gây ra.

Trong giai đoạn lúa làm đòng-trổ, chắc xanh cần giữ nước trong ruộng ổn định hợp lý, không nên tháo cạn nước sớm, khuyến cáo nông dân chỉ nên rút nước trước khi thu hoạch từ 7-10 ngày. Thời điểm phun thuốc phòng trừ các đối tượng gây hại nên phun vào lúc chiều mát để đảm bảo hiệu quả của việc phun trừ, phun phải đủ lượng nước trên đơn vị diện tích, việc sử dụng thuốc BVTV phải theo nguyên tắc “4 đúng”.

Tiến Dũng