Với mục tiêu đa dang hóa nguồn thu từ hoạt động trồng sen kết hợp với du lịch sinh thái để cải thiện thu nhập và vị thế phụ nữ nông thôn hướng đến phát triển sinh kế bền vững và bảo tồn giống sen bản địa. Dự án được triển khai thực trong 2 năm từ tháng 04/2021 đến 04/2023 tại thôn Rú Hóp xã Phong Bình được Bộ Ngoại giao Bulgaria tài trợ.
Sau hai năm triển khai, thông qua một chuỗi hoạt động, các khóa đào tạo, tập huấn, thiết lập vùng trồng sen kết hợp du lịch sinh thái, thử nghiệm mô hình trồng sen trắng tại xã Phong Bình trên diện tích 1.500 m2, hỗ trợ cải tạo và mở rộng diện tích trồng sen; đa dạng hoá sản phẩm sen: hạt sen, hoa sen, sen và du lịch; chuyển giao quy trình trồng sen trắng theo tiêu chuẩn VietGap; hỗ trợ máy móc, thiết bị, nhà xưởng để sơ chế sản phẩm sen. Quảng bá và truyền thông hoạt động của nhóm trồng sen và sản phẩm sen, kết nối thị trường, đăng ký nhãn mác, trưng bày sản phẩm. Kết quả bước đầu của dự án “Đa dạng hóa sản phẩm hoa sen bản địa kết hợp phát triển du lịch sinh thái: Mô hình xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ nông thôn” tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền đã mở ra một hướng sinh kế mới cho người dân trong việc cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời nâng cao năng lực cho phụ nữ nông thôn trong sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ trồng sen, nâng cao giá trị cho các sản phẩm sen (hoa sen, hạt sen, củ sen) thông qua ứng dụng công nghệ, hướng đến phát triển vùng trồng sen theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần phát triển dịch vụ du lịch sinh thái dựa vào sen, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
PGS.TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm chia sẽ, dù kết thúc thời gian dự án, Trường đại học Nông Lâm sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân trong quảng bá mô hình du lịch gắn với sen, tìm đầu ra bền vững cho các sản phẩm về sen; tiếp tục tập huấn các kỹ thuật trồng sen, sản xuất các sản phẩm từ sen...Từ đó, mở rộng và nhân rộng mô hình, hướng đến phát triển kinh tế từ loại cây bản địa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ nông thôn.
Trần Minh