102
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 08/01/2024 16:39
Phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh hướng đến sản phẩm chủ lực quốc gia
Thực hiện Chương trình phát triển Sản phẩm quốc gia đến năm 2030, các ban ngành từ cấp tỉnh đến địa phương thời gian qua đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh, qua đó tạo nền tảng vững chắc để UBND tỉnh lựa chọn, đề xuất phát triển thành sản phẩm chủ lực quốc gia. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng, tạo nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với nền tảng là công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao theo tình thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính Trị.

Tháng 11 năm 2023 vừa qua, Thanh trà Huế thành công trong việc xây dựng Chỉ dẫn địa lý – đây là một trong những bước đi đầu tiên trong lộ trình xây dựng sản phẩm chủ lực của tỉnh. Thời gian đầu còn khó khăn do người dân ngại thay đổi, sau gần 02 năm triển khai, đã có hơn 40 hộ với 10% tổng diện tích trồng Thanh trà trên địa bàn tỉnh tiếp cận thành công với các thị trường thương mại điện tử, sàn giao dịch trực tuyến thông qua Chỉ dẫn địa lý; giá trị của quả Thanh trà nhờ đó cũng tăng lên từ 20 – 25% so với trước khi có CDĐL, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân. . Chủ nhà vườn Lê Văn Nhân cho biết: “Việc xây dựng Chỉ dẫn địa lí là quyền lợi của bà con, là sự cần thiết để giới thiệu đặc sản thanh trà Huế đến thị trường”.

Việc xây dựng Chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm quả Thanh Trà của tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, mà còn có những dự báo chính xác nhằm khai thác lợi thế và tăng giá trị tài sản trí tuệ trong từng sản phẩm. Đại diện HTX Thanh trà Thuỷ Biều , bà Lê Thị Lan Dung đánh giá:” Việc xây dựng thành công Chỉ dẫn địa lí cho sản phẩm Thanh trà Huế là nền tảng để tiến tới thành lập Hội Thanh trà. Từ đó có lộ trình để từng bước nâng tầm vị thế của trái thanh trà lên”.

Cùng với Thanh tra Huế thuộc nhóm nông sản, sản phẩm tinh dầu tràm cũng nằm trong danh mục gồm 28 sản phẩm chủ lực tỉnh thuộc nhóm sản phẩm lâm nghiệp, được Thừa Thiên Huế hỗ trợ phát triển gắn với chuỗi giá trị thông qua việc đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ hội thuận lợi, phát huy lợi thế cạnh tranh để làm tăng giá trị kinh tế cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời còn là giải pháp hạn chế các hoạt động sản xuất kém chất lượng gây ảnh hưởng đến uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chủ lực địa phương vốn rất nổi tiếng như dầu tràm Huế.  Anh Nguyễn Khoa Thắng -  Chủ cơ sở sản xuất tinh dầu tràm Linh Đan cho biết:” Đầu tiên chúng tôi đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, sau đó chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành có sự quan tâm hơn nữa để cơ sở tiếp cận thị trường lớn hơn để mở rộng quy mô sản xuất, giúp người dân có thu nhập ổn định. Khi có thu nhập ổn định thì bà con có thể có cơ sở để gìn giữ nghề truyền thống của mình”.

Để tập trung hỗ trợ phát triển cho các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh tạo tiền đề để UBND tỉnh lựa chọn, đề xuất phát triển thành sản phẩm chủ lực quốc gia, thời gian qua, các ban ngành từ cấp tỉnh đến địa phương đã tập trung lồng ghép nguồn lực và tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp hỗ trợ: Phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ, phát triển thương hiệu và cải thiện khả năng thương mại hóa sản phẩm, phát triển thị trường và khuyến công, khuyến nông. Đến nay, 08 nhóm sản phẩm chủ lực tỉnh TT – Huế giai đoạn 2022 – 2025 nhờ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, đã có những bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm có khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Đại diện HTX Thanh trà Thuỷ Biều , bà Lê Thị Lan Dung mong muốn: “Ngoài sự nỗ lực của tổ chức, cơ sở thì sự hỗ trợ của Tỉnh cũng như các ban ngành là vô cùng cần thiết. Đây sẽ là động lực để nâng tầm các sản phẩm chủ lực của địa phương thành sản phẩm chủ lực quốc gia trong tương lai.

Phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh thành sản phẩm chủ lực quốc gia nếu thành công sẽ tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh. Các sản phẩm chủ lực có sản lượng lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao, có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường, vừa tạo động lực trong phát triển kinh tế của địa phương, qua đó góp phần xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính Trị.

Thành Nhân