101
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 27/10/2024 17:32
Phát triển kinh tế nông nghiệp vùng gò đồi
Là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế vùng gò đồi, những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển các mô hình kinh tế theo hướng gia trại, trang trại... mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định đời sống người dân.
Vùng gò đồi xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy phù hợp với nhiều loại cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao

Bà Nguyễn Thị Vân, ở xã Thủy Bằng, thành phố Huế là một trong những điển hình trong phong trào phát triển kinh vùng gò đồi ở địa phương này. Được chính quyền, tổ chức đoàn thể của xã tạo điều kiện, gia đình Bà Vân đã quy hoạch vùng sản xuất, thực hiện mô hình gia trại nuôi heo rừng bán hoang dã trong vườn cây ăn trái của gia đình đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm.“Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã khai hoang vùng đất gò đồi này với hơn 2.000 m vuông, tôi đã làm chuồng trại chăn thả heo rừng kết hợp cây ăn trái đem lại thu nhập cho gia đình vài trăm triệu đồng trên 1 năm”. Chị Nguyễn Thị Vân chia sẻ.

Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi được thị xã Hương Thủy triển khai từ năm 2012, bắt nguồn từ thực tế các xã: Dương Hòa, Phú Sơn, Thủy Phù chưa khai thác có hiệu quả lợi thế, tiềm năng vùng gò đồi để nâng cao đời sống người dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. Từ thực tế trên, cộng thêm việc chưa có những mô hình hoạt động sản xuất - kinh doanh năng động, sự phát triển của các thành phần kinh tế còn thiếu định hướng khoa học và bền vững, qua nghiên cứu, Hương Thủy quyết định đẩy mạnh tốc độ khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng gò đồi, đi kèm với đó là xây dựng các mô hình phát triển, những giải pháp sinh kế bền vững, đồng thời chú trọng thêm ngành công nghiệp dịch vụ phụ trợ để thúc đẩy ngành nông - lâm phát triển nhằm chủ động trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Điển hình như tại xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy là địa phương có diện tích đất rừng lớn và lợi thế vùng gò đồi. Thế nhưng, trước đây địa phương này chủ yếu phát triển lâm nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ khi thực hiện Đề án phát triển kinh tế vùng gò đồi theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thị xã từ năm 2010 đến nay, về chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn đã có nhiều bước phát triển với nhiều mô hình, cách làm hay về kinh tế vùng gò đồi. Hầu hết các mô hinh đem lại hiệu quả cao về kinh tế cho các hộ khi tham gia, giúp tăng thêm thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/hộ/tháng, được bà con nông dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng làm theo.

Mô hình nuôi lợn kết hợp cây ăn quả gia đình bà Nguyễn Thị Vân, ở xã Thủy Bằng, thành phố Huế

Ông Phạm Xuân Hậu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy cho biết, cùng với phát triển cây trồng mới, xã Phú Sợn đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC. Đến nay có 15 mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, trong đó có 16 gia trại chăn nuôi gà ta thả vườn với quy mô 1.000-2.000 con/lứa, 02 gia trại chăn nuôi lợn với quy mô 200 con/lứa. Mô hình chăn nuôi bò, dê bán thâm canh vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng đàn gia súc, gia cầm năm 2023 lên đến 92.000 con. Diện tích trồng cây ăn quả hơn 10 ha, cây dược liệu (tràm 5 gân, sâm Bố Chính) 12 ha, rừng gỗ lớn (FSC) 723 ha. Đối với hộ chăn nuôi cho thu nhập bình quân từ 60-70 triệu đồng/năm, trong khi các dự án trồng cây ăn quả, cây dược liệu, rừng gỗ lớn cho thu nhập từ 25-40 triệu đồng/ha/năm cao hơn nhiều so với trồng cây keo bán gỗ dăm chu kỳ 5 năm chỉ cho thu nhập từ 12-15 triệu đồng/ha/năm.

Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ rất nhiều chương trình, dự án, giúp người dân khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về diện tích đất gò đồi ở các địa phương. Trong đó, chú trọng hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả rất tích cực, góp phần tăng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để phát triển kinh tế vùng gò đồi theo hướng bền vững và hiệu quả, trong thời gian tới Thừa Thiên Huế sẽ tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững. Trong đó thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện các ngành nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, sản phẩm chủ lực của từng vùng gò đồi. Tập trung mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp ngắn và dài ngày, cây ăn quả, dược liệu theo hướng chuyên canh. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nâng cao chất lượng đàn gia súc, nhất là phát triển nhanh đàn bò, lợn, gà theo hình thức trang trại, nuôi thuỷ sản nước ngọt. Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như: Kinh tế trang trại, kinh tế vườn, vườn - rừng, mô hình sản xuất công nghệ cao. Phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp, chăm sóc, bảo vệ tốt vốn rừng, tích cực trồng rừng kinh tế, trồng rừng gỗ lớn, gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để phát triển dịch vụ thương mại, du lịch.

Với sự hỗ trợ tích cực từ ngành nông nghiệp cũng như sự năng động của mỗi một hộ dân, kinh tế vùng gò đồi ở tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực sự góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi một cách bền vững, giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Quang Minh