315
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 05/08/2022 16:55
Nông dân Phong Điền tích cực chăm sóc lúa để có một vụ mùa thắng lợi
Hiện nay, cây lúa vụ Hè Thu ở các địa phương trên địa bàn huyện Phong Điền đang ở giai đoạn trổ bông. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng lúa cả vụ. Để bảo đảm cho cây lúa sinh trưởng tốt, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tích cực chỉ đạo nông dân chủ động chăm sóc, theo dõi nhằm phát hiện sớm và phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại vào cuối vụ.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền cho biết, vụ Hè Thu năm 2022, toàn huyện gieo, cấy hơn 4.800 ha lúa, đến thời điểm này, đã có 2.961ha đang thời kỳ trổ bông, 1.621ha chắc xanh và đã có 30ha lúa đã chín tập trung ở các xã Phong An, Phong Hiền, Phong Hòa; còn lại 234ha lúa sẽ trỗ sau ngày 5/8.

Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, nhờ có động lực lớn từ vụ Đông Xuân trước đó là lúa được mùa, được giá nên sang vụ lúa Hè Thu này, hầu hết bà con nông dân đều quan tâm chăm sóc tốt từ khâu làm đất, xuống giống đến lúa giai đoạn hiện tại. Vì vậy, qua kết quả thăm đồng mới đây cho thấy, các ruộng lúa đều sinh trưởng và phát triển tốt. Mặt khác, việc áp dụng các biện pháp canh tác hợp lý, sử dụng các giống theo cơ cấu mà ngành Nông nghiệp khuyến cáo nên tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng về sản lượng cũng như chất lượng lúa vụ Hè Thu này.

Tuy nhiên, thời điểm từ khi lúa làm đòng đến trổ và chín thì nước là yếu tố đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Giai đoạn này, lúa trao đổi chất mạnh mẽ và cần lượng nước thường xuyên để đảm bảo các quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi. Nước sẽ ảnh hưởng đến chiều hướng và cường độ trao đổi chất. Vì vậy, nếu không đủ nước trong giai đoạn này nguy cơ mất mùa sẽ rất cao, nên bà con nông dân cần phải chú ý cung cấp nước đầy đủ, kịp thời.

Ông Trần Lợi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, cho biết: “Trong tháng 4 vừa qua, trên địa bàn huyện Phong Điền đã xảy ra đợt mưa lũ bất thường với lượng mưa lớn, địa bàn rộng đã gây ra tràn nhiều tuyến đê và hư hỏng nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, đặc biệt ở các xã vùng hạ lưu sông Ô Lâu. Để đảm bảo cho việc tưới tiêu, Phòng đã đề xuất UBND huyện cho sửa chữa, khắc phục và xây dựng mới 8 công trình với tổng kinh phí 4.360 triệu đồng, trong đó 5 công trình đê bao, đê nội đồng với chiều dài 3,1km; 1 công trình (2 tuyến) kênh mương tưới dài 300m; 1 công trình hồ chứa nước nhỏ và 2 cống ngăn lũ”.

Bên cạnh nước tưới, giai đoạn lúa trổ bông rất mẫn cảm với các loại sâu bệnh và ảnh hưởng lớn đến năng suất cuối vụ. Thời gian này, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã cử cán bộ trực tiếp về tận cơ sở, cùng với nông dân thăm đồng, theo dõi sát diễn biến các đối tượng sâu bệnh gây hại để khuyến cáo các biện pháp phòng trừ kịp thời, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Điền cho biết: “Hiện nay, ngoài chuột phá hoại, trên đồng ruộng đã xuất hiện một số đối tượng gây hại như: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, nhện gié, chuột, bệnh khô vằn, bệnh thối bẹ lá đòng… Do đó, bà con nông dân cần hết sức chú ý đến việc thăm đồng, kịp thời phát hiện và chủ động các biện pháp phòng trừ ngay khi sâu bệnh mới phát sinh”.

Để tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo người dân phòng trừ sinh vật gây hại trên cây lúa từ nay đến cuối vụ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về năng suất do sâu bệnh gây ra. Ngành nông nghiệp huyện Phong Điền đề nghị UBND các xã, các Hợp tác xã, đơn vị sản xuất nông nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân tiếp tục phun trừ trên các chân ruộng sạ dày, đã có vết bệnh bằng các loại thuốc như: Validacin 3SL, 5SL, Valivithaco 3SL, 5SL,… đối với bệnh khô vằn; tiến hành phun phòng trừ bệnh lem lép hạt trên toàn bộ diện tích khi lúa trổ vè thưa 3-5% và sau khi lúa trổ xong (phun sau lần 1 khoảng 7 ngày) bằng một trong các loại thuốc như: Tilt Super 300EC, NeVo 330EC, Vixazol 275SC, Anvil 5SL,… Phun trừ bệnh thối bẹ lá đòng khi bệnh chớm xuất hiện, lưu ý trên giống lúa Khang dân để hạn chế bệnh lây lan bằng một trong các loại thuốc như: Difusan 40EC, New Hinosan 40EC,… Sau khi phun nếu gặp mưa dông thì phải phun lại lần 2 liền kề ngay hôm sau để ngăn ngừa nấm bệnh xâm nhiễm gây hại.

Đối với nhện gié, tăng cường kiểm tra kỹ trên gân lá, cổ lá và bẹ lá đòng, đánh giá tỷ lệ hại và chỉ đạo phun trừ cục bộ nơi có tỷ lệ hại >5% bằng một trong các loại thuốc như: Nissorun 5EC, Kinalux 25EC, Danitol 50EC, Map Go 20ME,... Tăng cường diệt chuột bằng mọi biện pháp, bẫy kẹp, bẫy dính, sử dụng thuốc diệt chuột sinh học để hạn chế thiệt hại do chuột gây ra vào giai đoạn lúa làm đòng - trổ chín.

“Thời điểm phun thuốc phòng trừ các đối tượng gây hại nên thực hiện vào lúc chiều mát, để đảm bảo hiệu quả của việc phòng trừ, tránh thời gian phơi mao khi lúa trổ và phun đủ lượng nước trên đơn vị diện tích, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng. Trong quá trình sử dụng các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại, các xã, HTX nông nghiệp tiếp tục vận động bà con nông dân thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường; các vỏ, chai thuốc trừ sâu bệnh sau khi sử dụng phải tập trung để phân loại xử lý, tránh trường hợp gây thương tích cho người dân và ô nhiễm nguồn nước”, ông Quang lưu ý.

Giai đoạn này, bà con nông dân không nên chủ quan vì sẽ có nhiều yếu tố có thể tác động bất lợi, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng toàn vụ. Vì vậy, người nông dân cần chủ động theo dõi và áp dụng các biện pháp chăm sóc thích hợp để có một vụ mùa thắng lợi.

 Tiến Dũng