33
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 16/12/2024 17:06
Nỗ lực đưa thương hiệu nông sản Huế vươn xa
Chương trình OCOP hay còn gọi là Mỗi xã một sản phẩm được Chính phủ phê duyệt triển khai thực hiện từ năm 2018. Chương trình đã tạo nên những thay đổi có thể nhìn thấy được về mặt thương mại thông qua những thông số. Thống kê có trên 10.000 sản phẩm OCOP xuất hiện tại hầu hết các siêu thị lớn, thậm chí đã có phiên bán hàng trực tuyến trên TikTok chuyên cho các sản phẩm OCOP, nhờ đó không ít sản phẩm đã vươn xa ra thị trường thế giới. Với những hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương có quy mô vừa và nhỏ, hành trình xây dựng sản phẩm OCOP vừa là thách thức, vừa là động lực để đưa nông sản Huế vươn xa hơn, tiếp cận được các thị trường khó tính trong và ngoài nước.
Nhiều sản phẩm đậu phụ được HTX Dafusa ra mắt trong năm 2024.

Với mong muốn đưa sản phẩm đậu phụ sạch, an toàn, không chất bảo quản ra thị trường, cũng như góp phần tiêu thụ nguồn nông sản địa phương, Hợp tác xã DAFUSA tại Thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang ra đời bằng nỗ lực của những người trẻ như anh Võ Văn Tố, hiện đang là Giám đốc của đơn vị. Vận dụng kiến thức được học trên giảng đường, cùng những trải nghiệm thực tế tại Nhật Bản, Anh Tố mang quy trình sản xuất đậu phụ sạch không chất bảo quản trở về địa phương với một mục tiêu – xây dựng sản phẩm OCOP mang thương hiệu quê hương Phú Đa. Được sự hỗ trợ nguồn vốn khuyến công của địa phương hơn 65 triệu đồng, HTX DAFUSA mạnh dạn đầu tư công nghệ, cũng như các thiết bị máy móc tiên tiến, đáp ứng cơ bản các tiêu chuẩn từ thị trường. Sau hơn 01 năm đi vào hoạt động, đến nay, hợp tác xã này đều đặn mỗi ngày cho ra 2.000 khuôn từ 02 tạ đậu nành nguyên liệu. Đậu phụ sạch thương hiệu Phú Đa đến với các khu công nghiệp, các chợ nhỏ lẻ trên địa bàn, từng bước tiếp cận các thị trường trong và ngoài địa phương. Anh Võ Văn Tố, Giám đốc Hợp tác xã phát triển kinh tế DAFUSA, TT Phú Đa, huyện Phú Vang chia sẻ: “Mong muốn của đơn vị đó là làm ra một sản phẩm đậu phụ sạch, an toàn, không chất bảo quan để đưa ra thị trường. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi từng bước hoàn thiện sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của địa phương Phú Đa, nâng cao điều kiện kinh tế và tạo công ăn việc làm cho bà con”.

Với những hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương vừa và nhỏ, hành trình xây dựng sản phẩm OCOP vừa là thách thức, vừa là động lực để nâng tầm thương hiệu, trong đó HTX Vinh Hà – huyện Phú Vang với nỗ lực xây dựng thương hiệu 03 sao cho sản phẩm “Gạo Vinh Hà” là một câu chuyện như thế. Với lợi thế về thổ nhưỡng của vùng đất màu mỡ ven đầm Hà Trung, giống lúa HG12 qua nhiều đợt khảo nghiệm tại địa phương cho năng suất tốt, chống đổ ngã, thích ứng với điều kiện tự nhiên cho chất lượng hạt thơm, dẻo. Có được giống lúa tốt, sản phẩm tốt, Hợp tác xã Vinh Hà nói riêng và chính quyền địa phương nói chung bắt tay vào tìm kiếm giải pháp nhằm nhân rộng được mô hình, giúp thị trường biết đến nhiều hơn với sản phẩm “Gạo Vinh Hà” thông qua các kênh phân phối. “Thời gian tới, chúng tôi dự định thông qua thêm một kênh phân phối nữa, cụ thể là Hội đồng hương Phú Vang tại TP HCM, thông qua Hội đồng hương, chúng tôi kì vọng đưa sản phẩm gạo 03 sao Vinh Hà đi xa hơn nữa” - Ông Nguyễn Văn Thuỷ, Giám đốc HTX Vinh Hà, xã Vinh Hà, huyện Phú Vang cho biết.

Gạo 3 sao Vinh Hà trở thành sản phẩm gạo chủ lực của địa phương

Tính đến cuối năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 88 sản phẩm được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP, trong đó: 03 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 18 sản phẩm đạt 4 sao; 65 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm nhìn chung đều có sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu bất chấp những ảnh hưởng do đại dịch và kinh tế suy thoái. Có thể thấy, sản phẩm được công nhận OCOP không chỉ nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp mà còn là động lực để phát triển kinh tế của từng địa phương. Ông Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT – Huế khẳng định định: “Cần xác định rõ “Giá trị cốt lõi của sản phẩm OCOP là chất lượng đích thực”, tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng, thành tích. Muốn làm được điều này, chúng ta cần sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ tối sâu sát từ phía cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để chủ thể nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới từ cộng đồng, nâng cao giá trị sản phẩm”.

Thời gian tới để khơi dậy tiềm năng của các sản vật địa phương, qua đó xây dựng thành công sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại qua các hội chợ triển lãm, hoạt động du lịch, đưa sản phẩm OCOP vào chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng Nông thôn mới.

Thành Nhân