Từ 03 chương trình tín dụng, với số dư nợ là 236,1 tỷ đồng, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thực hiện 22 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ là 3.622,9 tỷ đồng, tăng 3.386,8 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 16,38%/năm, tăng 15,34 lần so với khi mới thành lập. Tổng doanh số cho vay là 13.621,9 tỷ đồng, với trên 717 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, doanh số cho vay bình quân đạt 681,05 tỷ đồng/năm. Trong 20 năm qua, đã có trên 274 ngàn lượt hộ nghèo, 76 ngàn lượt hộ cận nghèo, 80 ngàn lượt hộ mới thoát nghèo và trên 287 ngàn lượt các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH để sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống. Trên 45 ngàn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để trang trải các chi phí học tập.
Các hộ gia đình ở khu vực nông thôn được vay vốn để cải tạo nâng cấp và xây dựng mới công trình nước sạch đạt chuẩn quốc gia, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các ổ dịch bùng phát ở nông thôn; chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giúp cho lao động có việc làm ổn định, tạo điều kiện cho các hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo việc làm mới cho những lao động đang thất nghiệp. Những hộ ở vùng khó khăn đã được tiếp vốn để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế thu hút nhiều lao động; hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được vay vốn để tạo đất sản xuất, chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất kinh doanh.
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, đã có 15 lượt doanh nghiệp được vay vốn với số tiền 1,8 tỷ đồng để trả lương cho người lao động bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19; triển khai cho vay 204,8 tỷ đồng đối với các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Chính sách tín dụng cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2005 - 2010 từ 21,17% xuống còn 4,93% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025; góp phần giúp 64/94 xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, 02 huyện hoàn thành và đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Nghị định 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gặp phải một số khó khăn, vướng mắc: Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách; nguồn lực từ ngân sách địa phương để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay còn thấp. Mức cho vay chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hiện nay tối đa 10 triệu đồng/01 công trình là chưa phù hợp với chi phí xây dựng hiện nay. Nhiều trường hợp người vay vốn chưa tiếp cận được nguồn vốn từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối tượng vay vốn còn chịu nhiều rủi ro biến động thị trường như thiên tai, dịch bệnh… làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh và chất lượng tín dụng. Việc lồng ghép hoạt động vay vốn tín dụng chính sách với chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn về cách thức làm ăn, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao. Việc rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa kịp thời, dẫn đến một số đối tượng chậm được thụ hưởng chính sách.
Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung nguồn lực, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn; trong đó, phấn đấu đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng thụ hưởng theo quy định có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ tín dụng chính sách bình quân hàng năm từ 8 - 10%; tỷ lệ nợ quá hạn phấn đấu duy trì dưới 0,1% trên tổng dư nợ; hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra, giám sát theo định kỳ hàng năm của Ban đại diện HĐQT NHCSXH, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và NHCSXH các cấp, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích, an toàn và phát huy hiệu quả; tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nợ và xử lý nợ bị rủi ro, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng; xây dựng đội ngũ cán bộ, người lao động của NHCSXH tỉnh có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có đạo đức nghề nghiệp, có đầy đủ kỹ năng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ phát triển mới của NHCSXH; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Minh Phương