Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân phát triển kinh tế
Bằng phương thức cho vay trực tiếp, có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội hiện nay, Ngân hàng CSXH huyện Quảng Điền đang triển khai thực hiện 12 chương trình vay vốn, tổng dư nợ đạt trên 503 tỷ đồng với hơn 10.200 hộ vay còn dư nợ. Hàng năm Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Quảng Điền đã ưu tiên bố trí ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH huyện để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Các địa phương ở huyện Quảng Điền đã triển khai hiệu quả chương trình phối hợp thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Từ nguồn vốn vay này, nhiều hộ chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn các xã đã được tiếp cận vốn vay kịp thời, có cơ hội phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Được tiếp cận từ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình anh Lê Văn Hành thôn Tân Thành, xã Quảng Công đã mở cơ sở nước mắm, sau khi trả món vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm năm 2022, anh tiếp tục quyết định vay thêm 90 triệu đồng, từ nguồn vốn Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, mô hình sản xuất mắm của gia đình anh đã là một trong những cơ sở chế biến được nhiều người trên địa bàn huyện Quảng Điền biết đến. Các sản phẩm của cơ sở anh Hành không chỉ tiêu thụ trên địa bàn thành phố Huế mà còn vươn ra các tỉnh thành khác như Quảng Trị và một số địa phương khác. Nguồn vốn không chỉ tạo việc làm cho bản thân và gia đình anh Hành mà còn giúp giải quyết tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Khi vào mùa thu mua, đóng gói nguyên liệu gia đình anh đều phải thuê 5 - 6 chị em trong địa phương đến làm việc mỗi ngày. Không riêng gì anh Lê Văn Hành, hàng năm trên địa bàn huyện Quảng Điền còn có hàng trăm lao động được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm và sinh kế cho người dân, nhiều mô hình kinh tế đã hình thành và phát triển như nuôi cá trên sông Bồ và nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại xã Quảng Lợi, phát triển vùng rau sạch ở Quảng Thành, Quảng Thọ; phát triển các làng nghề truyền thống của địa phương như như: Mây tre đan Bao La, Thủy Lập; rau má Quảng Thọ; chế biến nước mắm ở xã Quảng Công, Quảng Ngạn, vườn trái cây, vườn rau sạch ở thị trấn Sịa,...
Nhiều mô hình kinh tế được tiếp sức bởi nguồn vốn tín dụng chính sách
Ông Hà Văn Trung – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Điền cho biết: “Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Điền thường xuyên tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Ban Bí thư cũng như tham mưu triển khai hiệu quả Chỉ thị 39 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, để hộ nghèo và đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, NHCSXH huyện Quảng Điền thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách Đảng, của Chính phủ, của địa phương về tín dụng chính sách. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, củng cố chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, giám sát chặt chẽ việc bình xét cho vay đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích, đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi”.
Huy động cả hệ thống chính trị cùng thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 39-CT/TW, ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; Chỉ thị 64/CT-TU, ngày 10/3/2025 của Thành ủy Huế về về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố Huế trong giai đoạn mới; nhằm nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quảng Điền trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền đã ban hành Chỉ thị 28-CT/TW yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Các cấp ủy, chính quyền cần xác định hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
Cùng với nguồn vốn từ các chương trình cho vay ưu đãi từ Trung ương, của UBND thành phố. Hàng năm, UBND huyện Quảng Điền đã thực hiện chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện có thêm điều kiện để vươn lên thoát nghèo, giải quyết việc làm tại địa phương và làm chủ cuộc sống.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tiếp sức cho nhiều mô hình kinh tế
Quảng Điền là một huyện thu ngân sách còn hạn chế, song với sự tham mưu kịp thời, thường xuyên của NHCSXH huyện, sự chung tay góp sức của các ban ngành, thấu hiểu mức độ cần nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Quảng Điền đã quan tâm và chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH huyện để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, địa phương đã chuyển hơn 7,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Để đảm bảo thực hiện nguồn vốn có hiệu quả, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, các xã thị trấn trong việc rà soát, xác minh đối tượng thuộc diện cho vay và tiến hành cho vay theo đúng quy định. Các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Tổ chức bình xét, xác nhận đối tượng vay vốn công khai, minh bạch, chính xác; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhằm hạn chế những sai sót trong quá trình triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quảng Điền trong giai đoạn mới theo tinh thần của Chỉ thị 39-CT/TW.
Để triển khai Chỉ thị 39-CT/TW; Chỉ thị 64/CT-TU; Chỉ thị 28-CT/TW có hiệu quả, Huyện ủy Quảng Điền yêu cầu các cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách, tạo thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Qua đó, khẳng định đây là một trong những “trụ cột” của hệ thống các chính sách an sinh xã hội; thể hiện quan điểm của Đảng về phát triển bền vững về kinh tế gắn với xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau; tạo động lực, nguồn lực để những người thụ hưởng chính sách xã hội tích cực, chủ động tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện nâng cao đời sống qua đó góp phần tích cực cho thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Văn Trung