178
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 18/04/2023 09:07
Nam Đông: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
Qua 02 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 31/5/2021 của Huyện ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025, cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Nam Đông được chuyển dịch, nhận thức của người dân đã thay đổi, nhiều hộ đã đầu tư theo quy mô trang trại.

Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (Nông - Lâm - Thủy sản) đến cuối năm 2022 đạt 623,835 tỷ đồng (giá so sánh 2010), đạt 94,2% kế hoạch của Nghị quyết; giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 368,210 tỷ đồng, tăng 1,05 lần so với năm 2020; giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt 60 triệu đồng/ha, tăng 1,1 lần so với năm 2020; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 145,925 tỷ đồng (giá thực tế), đạt 78,03% kế hoạch của Nghị quyết, tăng 1,41 lần so với năm 2020; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 283,550 tỷ đồng (giá thực tế), đạt 98,8% kế hoạch của Nghị quyết, tăng 1,36 lần so với năm 2020; giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt 83 triệu đồng/ha/chu kỳ, tăng 3 triệu đồng/ha/chu kỳ so với năm 2020.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: Việc chuyển đổi sang trồng các loại cây chủ lực (Cam và cây ăn quả có múi, Chuối, Dứa) theo Nghị quyết của Huyện ủy còn chậm; chưa xây dựng được liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; người dân chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất quy mô lớn nên sản phẩm hàng hóa chưa nhiều; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, tiêu chuẩn hữu cơ chưa nhiều; chất lượng sản phẩm cây ăn quả không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; các sản phẩm Cam, Chuối, Dứa chủ yếu bán thô, chưa qua chế biến; chưa xây dựng được các kho lạnh để bảo quản nông sản khi đến vụ thu hoạch; thời vụ thu hoạch thường tập trung nên khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm khi chính vụ.

Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắt nêu trên là do: Năng lực quản lý, hoạt động của các hợp tác xã còn hạn chế, chưa chủ động trong việc tìm kiếm thị trường; công tác quản bá cho các sản phẩm chủ lực chưa mạnh; công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung cụ thể cho từng địa phương gắn với quy hoạch chung xây dựng xã còn chậm, quản lý quy hoạch còn lúng túng; công tác tham mưu của các ngành chưa kịp thời, chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền, vận động của UBMT TQVN các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội và các địa phương tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa có sự phối hợp nhịp nhàng; một số xã còn lúng túng, chưa chủ động, không có chương trình kế hoạch cụ thể; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết; chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã; người nông dân chưa quan tâm đến quy trình kỹ thuật; chưa chú trọng đến công tác đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như ở Nam Đông.

Trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tiếp tục bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 07-NQ/HU của Huyện ủy để chỉ đạo tập trung hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã hiện có; thành lập mới các hợp tác xã ở những xã có điều kiện để hỗ trợ nông dân liên kết, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác quản bá cho các sản phẩm chủ lực.

Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác quán triệt, triển khai Nghị quyết bằng nhiều hình thức để lan tỏa đến cơ sở. Huy động, lồng ghép hợp lý các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện để hỗ trợ thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Quy hoạch vùng sản xuất tập trung cụ thể cho từng địa phương gắn với quy hoạch chung xây dựng xã để làm cơ sở đẩy mạnh phát triển sản xuất cho từng năm; chuyển đổi những diện tích đất lâm nghiệp có điều kiện thuận lợi sang trồng các loại cây chủ lực có giá trị kinh tế cao hơn; tập trung phát triển kinh tế trang trại. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch; quản lý sử dụng đất để tạo nên các vùng sản xuất tập trung.

Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thực chất, hiệu quả; khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương tạo vùng nguyên liệu cho Đề án phát triển Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của huyện. Phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; gắn phát triển nông nghiệp nông thôn với phát triển du lịch.

Phân công cán bộ của ngành nông nghiệp về các xã để hướng dẫn cho cán bộ phụ trách nông nghiệp xã, nông dân sản xuất cam và cây ăn quả có múi, chuối, dứa theo quy trình VietGap; hỗ trợ cấp chứng nhận VietGap cho các cơ sở sản xuất thực hiện bảo đảm theo quy trình, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tổ chức sản xuất; quản lý quy trình sản xuất đảm bảo theo quy trình VietGap, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại.

Đắc Phương