1656
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 14/11/2014 10:57
Một số suy nghĩ về tăng trưởng xanh và bền vững ở Thừa Thiên Huế
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với vấn đề môi trường ngày càng ô nhiễm, tài nguyên bị khai thác cạn kiện thì phát triển xanh đang là một trong những xu hướng nhiều quốc gia, khu vực đang hướng tới. Phát triển xanh là sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với xã hội và môi trường nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên, cho phép giải quyết những yêu cầu trong ngắn hạn và lợi ích dài hạn của nền kinh tế.

Hướng tới phát triển xanh, mỗi khu vực, mỗi quốc gia đều phải điều chỉnh các mục tiêu tổng thể và tận dụng các cơ hội sẵn có về tài nguyên, về môi trường và các lợi thế vượt trội khác nhau để bào đảm có thể phát triển nhưng vẫn cạnh tranh được với các nước trong khu vực trên thế giới. Thừa Thiên Huế là một đô thị có nhiều ưu điểm vượt trội để có thể trở thành một tỉnh có khả năng bứt phá trong phát triển xanh và bền vững. Bài viết này sẽ đề cập một số cơ hội, thách thức và định hướng cho phát triển xanh của Thừa Thiên Huế.

Trước hết, Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang. Có hai di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới; có thành phố Huế - Cố đô của Việt Nam, là đô thị loại I, thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, là trung tâm văn hoá, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm khoa học - công nghệ; trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của miền Trung và cả nước. Đây là đặc thù quan trọng, là cơ sở vững chắc cho phát triển xanh trong tương lai.

Festival Huế đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước

 

Bên cạnh đó, sau năm năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị về “Xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020”; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã “chung lưng, đấu cật” để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những kết quả hết sức quan trọng và có tính toàn diện. Đó là, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 10%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ: du lịch - dịch vụ chiếm gần 54% trong GDP; công nghiệp chiếm 36%; nông nghiệp chỉ còn trên 10% trong GDP. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 đứng thứ hai toàn quốc. GDP bình quân đầu người đạt trên 1.700 USD. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân hàng năm đạt gần 5.000 tỷ đồng. Du lịch, dịch vụ phát triển nhanh, lượng khách đến Huế đạt trên 2,4 triệu lượt người mỗi năm. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại được nâng cấp, xây mới; Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Khu công nghiệp Phú Bài thu hút được nhiều dự án đầu tư, nhất là dự án Laguna vừa mới hoàn thành giai đoạn I (200 triệu USD) đưa vào khai thác sử dụng năm 2013.

Công tác chỉnh trang, nâng cấp đô thị thường xuyên được quan tâm, tạo ra diện mạo đô thị và nông thôn ngày nay khang trang, sạch, đẹp, được bạn bè trong nước và quốc tế đánh giá cao. Toàn tỉnh có một đô thị loại I, 3 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Đã tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển và phát huy trung tâm văn hóa - du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học - công nghệ, góp phần phát triển du lịch - dịch vụ và kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6,5%. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; môi trường sống trong lành, an toàn và thân thiện.

Từ những đặc điểm nổi trội, lợi thế so sánh và thành tự đạt được, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế chọn con đường xây dựng và phát triển đô thị theo mô hình: “Thành phố di sản, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và thân thiện với môi trường” là hướng đi đúng đắn; là con đường “phát triển xanh; phát triển bền vững” - Thông điệp mà Liên hiệp quốc đang khuyến nghị với các quốc gia đang phát triển trên thế giới.

Vấn đề quan trọng là làm thế nào để Thừa Thiên Huế phát huy tốt nhất lợi thế so sánh và tính đặc thù đó để xây dựng và phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững; xin có một số ý kiến trao đổi như sau:

- Đô thị Thừa Thiên Huế hàm chứa sự đa dạng về địa hình - sông, núi, gò đồi, đầm phá, biển, cảnh quan thiên nhiên và văn hoá. Lịch sử hình thành đô thị Huế có tính đặc thù riêng; đó là từ kinh đô của các triều đại phong kiến; “Huế là một kinh thành - một kinh đô và nay là một thành phố di sản văn hoá thế giới”. Vì vậy, để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị loại I, Thành phố trực thuộc Trung ương, không nhất thiết phải xây nhiều nhà cao tầng, nhiều chung cư san sát nhau, có cư dân thành thị đông đúc và nhiều nhà máy. Quá trình đô thị hoá ở Bắc Kinh - Trung Quốc cho chúng ta bài học nhãn tiền về ô nhiễm môi trường sống, nhất là ô nhiễm môi trường và khói bụi trong không khí.

Vì vậy, Huế cần phát triển đô thị theo mô hình “Đô thị trung tâm và chùm đô thị vệ tinh”. Theo hướng đó, cần đẩy nhanh tiến độ hình thành cụm đô thị động lực: Thành phố Huế (đô thị trung tâm) - thị xã Hương Trà - thị xã Hương Thủy - thị xã Thuận An và chùm đô thị vệ tinh: đô thị Chân Mây - Lăng Cô, Phú Đa, Bình Điền, Phong Điền, Sịa, Nam Đông, A Lưới. Kết nối giữa các đô thị là hệ thống giao thông, cảnh quan thiên nhiên, hồ nước và cây xanh. Đó là thành phố có môi trường thân thiện; xã hội hài hoà, văn hoá phong phú, nhân dân hạnh phúc.

Lăng Tự Đức

 

-  Huế là vùng đất có hai di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới; nhiều loại hình nghệ thuật cung đình, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Huế; các loại hình ca Huế, hò Huế cùng với văn hoá ẩm thực Huế, kiến trúc Huế, y phục cổ truyền Huế và nhiều làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của riêng Huế. Huế có nhiều di sản văn hoá, di tích lịch sử và cách mạng; có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp; môi trường sống trong lành, an toàn và thân thiện. Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã nhận định: “Thiên nhiên Huế, cảnh vật Huế, con người Huế, tiếng nói Huế, phong cách Huế, tất cả đã tạo nên một bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa Huế độc đáo, hiếm vùng đất nào có được”. Những nét văn hóa lịch sử độc đáo ấy sẽ tạo cho Thừa Thiên Huế lợi thế so sánh để phát triển nhiều loại hình du lịch, dịch vụ. Vấn đề là phải tái cơ cấu mô hình quản lý văn hóa cho phù hợp với kinh tế thị trường. Trước mắt cần tách nhiệm vụ kinh doanh du lịch ra khỏi Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế; tạo cơ chế thông thoáng để thu hút khách tham quan và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Đại học Huế

 

-  Thừa Thiên Huế còn có thế mạnh khác mà nhiều nơi khác không có, đó là giáo dục - đào tạo và y tế chuyên sâu. Với truyền thống của Đại học Huế gần 60 năm xây dựng và phát triển, có môi trường học đường thân thiện, có Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế - hai đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới, với đội ngũ thầy thuốc giỏi; nơi đào tạo hai người thầy quan trọng: “thầy thuốc” và “thầy giáo” không chỉ cho tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn cho nhiều địa phương khác trên toàn quốc, kể cả đi làm việc nước ngoài. Huế có đủ điều kiện để phát triển dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế gắn với phát triển du lịch; cần xem đây là hướng đột phá để tai cơ cấu mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.

-  Địa thế Thừa Thiên Huế nói riêng, miền Trung nói chung không cho phép đầu tư công nghiệp nặng. Trong khi Huế có đội ngũ trí thức đứng thứ ba trong cả nước (sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh); con người Huế vốn thông minh, cần cù và sáng tạo; vì vậy, Thừa Thiên Huế cần nghiên cứu để phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm, công nghiệp năng lượng tái tạo.

- Huế là thành phố duy nhất của Việt Nam được Chính phủ cho phép xây dựng Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Qua 8 lần tổ chức Festival, Huế đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước; góp phần quảng bá và nâng cao vị thế văn hoá Việt Nam, văn hoá Huế trên trường quốc tế; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hoá của Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu chuyển đổi mô hình quản lý để nâng cao hiệu quả kinh tế của hoạt động Festival - cần xem đây là một hoạt động kinh tế (hay nói theo NQTW 9 là công nghiệp văn hóa) để tạo nguồn thu ngân sách chứ không phải là một hoạt động văn hóa đơn thuần.

Với thế mạnh về truyền thống lịch sử và vai trò nổi trội trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ và du lịch; việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương sẽ cùng với thành phố Đà Nẵng đảm nhận vị trí một vùng đô thị - cực tăng trưởng cấp quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tạo sự lan tỏa cho cho cả nước . Đó cũng là con đường “tăng trưởng xanh” trong quá trình đô thị hoá đất nước.

 

Ts. Nguyễn Hữu Từ