832
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 03/06/2015 11:06
Một số kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền ở Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006 - 2014
Thừa Thiên Huế có 12 xã (gồm 78 thôn, bản) thuộc huyện A Lưới giáp biên giới với nước bạn Lào với chiều dài biên giới 84 km. Xác định là địa bàn xung yếu về quốc phòng, an ninh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt và triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội trên tuyến biên giới đất liền.

Lồng ghép thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, nhất là chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối với vùng biên giới. Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đối ngoại hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội tuyến biên giới đất liền giáp nước bạn Lào như: Hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam - Lào, Luật Biên giới quốc gia, Nghị định của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền, Quy chế khu vực cửa khẩu biên giới đất liền... Kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác biên giới, xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động trong công tác biên giới. 

Thực hiện các chính sách về hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thông qua các chương trình, dự án... nguồn lực bố trí cho địa bàn vùng biên giới tăng từ 90 tỷ đồng (năm 2005) lên 600 tỷ đồng (năm 2014), chiếm trên 20% tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển của địa phương (chỉ tính nguồn vốn do địa phương quản lý). Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, mức tăng giá trị sản xuất dao động từ 13 - 15%/năm.

Các mô hình kinh tế vườn, chăn nuôi, trang trại có hiệu quả đang được nhân rộng trên địa bàn. Năm 2014, năng suất lúa bình quân đạt 53,4 tạ/ha, tăng gần 30 tạ/ha so năm 2001; chăn nuôi gia súc phát triển khá, đã hình thành sản phẩm thịt bò là đặc sản của địa phương. Công tác trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng đạt kết quả tốt. Ngành nghề phi nông nghiệp ở các xã biên giới có bước phát triển. Hiện có 9 cơ sở sản xuất hàng thủ công vừa và nhỏ như dệt Zèng, đan mây, tre, chổi đót. Một số loại hình dịch vụ như cơ khí sửa chữa, xay xát lương thực, chế biến nông lâm... cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong vùng. Đã quy hoạch và hình thành các điểm du lịch ở 3 xã trong vùng (Nhâm, Hồng Bắc và khu vực A Roàng), hình thành tuyến du lịch thăm đường Hồ Chí Minh kết hợp khôi phục một số lễ hội văn hóa truyền thống; một số tuyến điểm du lịch như suối nước khoáng nóng A Roàng, thác Pốc Chất, di tích đồi A So và một số điểm du lịch sinh thái khác đang được đầu tư xây dựng.

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Bình thăm và tặng quà cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Hồng Thủy, huyện A Lưới

 

Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào các xã vùng biên giới đã được cải thiện đáng kể. Mục tiêu giảm nghèo đạt kết quả tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 61,6% (năm 2001) xuống còn 11% (năm 2014). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 65% (năm 2000) còn 10,5% (năm 2014). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,6 triệu đồng/người năm 2001 lên 16 triệu đồng/người năm 2014. Hoàn thành xóa nhà ở tạm bợ cho đồng bào dân tộc; hơn 95% số hộ đã được định canh, định cư.

Hệ thống giáo dục các cấp từ mẫu giáo đến phổ thông trung học phát triển; 95% xã có trường tiểu học, nhà trẻ mẫu giáo; tỷ lệ trẻ em học mẫu giáo trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi tăng từ 42,2% năm 2000 lên 96,5% năm 2014. Sau nhiều năm tập trung triển khai Chương trình phổ cập giáo dục tiểu học, đến nay, 100% số xã được công nhận xóa mù chữ và phổ cập tiểu học. Tỷ lệ huy động học sinh đến trường bậc tiểu học đạt 99,2%, THCS 98,7% và THPT 75,8%.

Y tế tuyến cơ sở được quan tâm đầu tư khá hoàn chỉnh, 12/12 xã đều có trạm y tế. Thực hiện tốt việc luân chuyển bác sĩ, bảo đảm 100% trạm y tế có bác sĩ; 100% trạm y tế có y tá và nữ hộ sinh; 100% thôn, bản có nhân viên y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn tuyến biên giới được cải thiện đáng kể. Các cấp ủy đảng, Mặt trận và các đoàn thể đã phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nông thôn mới và được người dân đồng tình ủng hộ; phát huy được vai trò “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi” và mọi người dân là chủ thể của chương trình. Đến nay, có 3 xã đạt 17 tiêu chí, 3 xã đạt 12 - 17 tiêu chí, 6 xã đạt 7 - 12 tiêu chí.

 

Long An