Các mô hình nuôi tôm sú, cua, cá dìa; tôm sú, cá đối, cua; tôm sú, cá dìa, cá kình, rong câu là những mô hình nuôi có tính ổn định về kỹ thuật, hiệu quả cao, thị trường tiêu thụ tốt. Hình thức nuôi xen ghép vừa đa dạng đối tượng nuôi vừa kết hợp cải tạo môi trường là một trong những hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định và bền vững cho người nuôi. Năng suất bình quân của nuôi xen ghép đạt 0,8 tấn/ha.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 7.330 hộ nuôi trồng thủy sản theo phương thức xen ghép. Trong đó, có trên 6.230 hộ có lãi, chiếm 85%; 730 hộ hoà vốn, chiếm 10%; trên 360 hộ thua lỗ, chiếm 5%. Bình quân các hộ lãi từ 35 - 60 triệu đồng/ha/năm; đặc biệt, một số hộ ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện đúng quy trình nuôi đã lãi từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm.
Nuôi trồng thủy sản là một trong những thế mạnh của ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế. Để phát triển bền vững, góp phần xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu cho nông dân vùng đầm phá, ngoài việc thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân nuôi, trồng theo phương thức xen ghép, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ một phần kinh phí kiểm dịch con giống; hoá chất phòng, dập dịch bệnh và lưu kho tại các địa phương để sẵn sàng dập dịch khi cần thiết. Hỗ trợ các địa phương kỹ thuật xây dựng vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, các tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản. Thực hiện quan trắc tại 15 điểm trên toàn tỉnh, số liệu quan trắc được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng tuần và gửi các địa phương để chỉ đạo sản xuất. Mở nhiều lớp tập huấn về về nuôi trồng thủy sản gắn với xây dựng các mô hình nuôi, trồng mới như: mô hình nuôi một số loài cá có giá trị kinh tế gồm cá hồng mỹ, cá dìa, chim trắng vây vàng bằng lồng Đan Mạch; mô hình nuôi xen ghép cá đối mục, tôm sú, cua xanh trong ao đất; nuôi theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng VietGap… và các mô hình nuôi xen, ghép có tính bền vững.
Long An