Huyện Quảng Điền có vùng cát nội đồng, diện tích tự nhiên khoảng 2.298 ha, phân bố trên địa bàn 03 xã (Quảng Thái, Quảng Lợi và Quảng Vinh). Để khai thác tiềm năng này, từ năm 2004, Quảng Điền đã có chủ trương phát triển kinh tế vùng cát nội đồng trên diện tích 358 ha đã được cải tạo đưa vào sản xuất với các mô hình trang trại, gia trại, trồng rừng và trồng một số loại cây theo hướng nông lâm, thủy sản kết hợp của 82 hộ ở 3 xã trên. Tính đến cuối năm 2014, giá trị sản xuất trên vùng cát nội đồng bình quân đạt trên 80 triệu đồng/ha canh tác. Để đưa nền kinh tế của huyện ngày càng phát triển theo hướng đa dạng, từng bước thoát khỏi thế độc canh cây lúa, đã vận động nhân dân khai hoang mở rộng diện tích thành lập trang trại vùng rú cát. Trong tổng số 82 trang trại có 18 trang trại có giá trị sản lượng hàng hóa từ 500 triệu – 1 tỷ đồng/năm với những trang trại chuyên chăn nuôi, trồng trọt có quy mô lớn.
Mô hình trồng rau trên vùng rú cát
Hầu hết các hộ tham gia làm kinh tế trang trại đều tích cực lao động, chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, khẳng định tiềm năng của vùng rú cát nội động. Với việc phát triển diện tích trồng rừng trên vùng rú cát, đến nay toàn huyện đã trồng được 299,6 ha rừng tràm và keo. Bình quân mỗi ha rừng trồng đến thời kỳ thu hoạch cho thu nhập trên trên 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, các hộ trang trại đã tích cực mở rộng diện tích trồng sắn KM94, lạc và nhiều loại cây hoa màu khác, đầu tư đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà, vịt, lợn, trâu, bò.
Phải nói rằng chủ trương làm giàu trên vùng rú cát nội đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Điển hình cho sự cần mẫn đó là trang trại của vợ chồng ông Trương Trọng Đức (xã Quảng Lợi) kết hợp trồng rừng kinh tế phủ xanh đất cát đồi trọc, vừa chăn nuôi lợn nái, lợn thịt theo phương pháp công nghiệp, nuôi gà theo hướng an toàn sinh học và nuôi cá. Sau 5 năm xây dựng và phát triển, hiện nay mỗi năm, gia đình ông thu nhập trên 500 triệu đồng.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ
Đến vùng trang trại trên rú cát bạch sa của huyện, chúng tôi mới chứng kiến sự đổi thay của vùng đất này, những hộ tham gia làm kinh tế trên vùng rú cát đã đầu tư đến hàng tỷ để xây dựng trang trại, điển hình như: anh Ái Hiệp, anh Trần Thiện Chương, anh Trần Định Lựu, ông Hoàng Truyền, anh Trần Lực… Trong đó trang trại của anh Ái Hiệp có quy mô hơn cả, mặc dù thành lập muộn hơn so với những trang trại khác nhưng với quyết chí làm ăn anh đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng trang trại quy mô có giá trị kinh tế cao. Ngoài trang trại cây cảnh, mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ có tới 1.800 gốc thanh long cho thu nhập bình quân trên 700 triệu đồng/năm.
Để kinh tế trang trại là mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế của huyện thuần nông từ nay đến 2020, huyện Quảng Điền tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai các giải pháp đã đề ra. Trong đó, vận động tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân trong huyện lập trang trại ở vùng rú cát nội đồng. Ưu tiên giao đất lập mô hình trang trại chăn nuôi theo quy mô lớn, phấn đấu sẽ có thêm 20 trang trại mới được cấp đất đi vào hoạt động. Tập trung quy hoạch lại hệ thống trang trại, gia trại, hạ tầng phục vụ sản xuất như đường giao thông, điện, nước nhằm tạo điều kiện cho phát triển trang trại vùng cát nội đồng một cách quy mô và hiệu quả.
Tin tưởng rằng, với những nỗ lực trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế trang trại vùng rú cát sẽ là động lực đưa nền kinh tế của huyện Quảng Điền vươn lên phát triển theo hướng tăng trưởng và ổn định.
Công Cường