45
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 09/04/2024 23:09
Kiên quyết đấu tranh hành vi khai thác giã cào trái phép
Vấn nạn tàu khai thác lưới kéo trái phép (hay còn gọi là giã cào) từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh với nguồn lợi thủy sản cũng như chính bà con ngư dân ven biển miền Trung trong đó có tỉnh TT – Huế. Với bờ biển dài hơn 120km, Thừa Thiên Huế là địa phương thường xuyên bị đe dọa bởi hành vi khai thác mang tính tận diệt này. Thời gian qua, các lực lượng chức năng, đơn vị và địa phương đã thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng trên.

Trạm biên phòng Cửa khẩu Thuận An, TP Huế, những ngày này, ngoài giải quyết nhanh các thủ tục để bà con ngư dân vươn khơi kịp mùa vụ khai thác, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh TT – Huế còn tiến hành kiểm tra việc đảm bảo các điều kiện ra khơi cần thiết như trang thiết bị cứu sinh, giấy phép khai thác thủy sản, giấy đăng kiểm… và đặc biệt là tuyên truyền cho các chủ tàu, thuyền viên về phòng, chống tàu giã cào trái phép. Bởi khi phát hiện các hành vi khai thác tận diệt trên vùng biển, trên ngư trường thì đây chính là kênh thông tin sớm và hữu hiệu nhất đối với các cơ quan chức năng. Ngư dân Lê Văn Thảo cho biết: “Chấp hành quy định đánh bắt an toàn trên biển, khi phát hiện có hành vi giã cào thì chúng tôi sẽ ưu tiên báo cho lực lượng chức năng để nhanh chóng ngăn chặn”   

Kiên trì trong công tác vận động ý thức của người dân trên đất liền, quyết liệt ra quân, phát hiện và xử lí nghiêm các hành vi khai thác trái phép. Trong năm 2023, các đơn vị, lực lượng đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện bắt giữ và xử lí 06 vụ với 08 phương tiện vi phạm hành vi khai thác giã cào, khai thác thủy sản trái phép, ra quyết định xử lí Vi phạm hành chính hơn 346 triệu đồng. Các tàu vi phạm chủ yếu ở ngoài địa phương, trong đó Quảng Ngãi có 03 tàu, Đà Nẵng 01 tàu và Bình Định 01 tàu. Nhờ sự đồng bộ và quyết liệt trong triển khai thực hiện các giải pháp, tình trạng tàu cá giã cào hoạt động sai tuyến cùng các hành vi khai thác trái phép tương tự đã được đẩy lùi, tác động tích cực đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản của địa phương. Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh chia sẻ:”Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong 10 năm qua, số tàu khai thác giã cào giảm từ 110 tàu xuống còn khoảng 30 tàu, tức là giảm đến gần 80%”.

Tại hội nghị triển khai xử lí tàu giã cào trái phép năm 2024, các lực lượng nhận định tình trạng tàu giã cào trái phép sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động chủ yếu về đêm, manh động, sẵn sàng có các hành vi cắt lưới và chống đối khi bị phát hiện. Do đó để công tác đấu tranh với hành vi khai thác giã cào thực sự hiệu quả, cần nhiều hơn sự vào cuộc, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nhằm ngăn chặn và tiến tới chấm dứt hành vi khai thác mang tính tận diệt. Đây cũng là một trong những nỗ lực góp phần đẩy nhanh tiến trình tháo gỡ thẻ vàng của EC lên ngành thủy sản của Việt Nam. Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP TT – Huế cho biết: “Trong năm 2024, lực lượng BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp. Thứ nhất, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cho bà con ngư dân; Thứ hai, thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát hành vi khai thác; Thứ ba, tăng cường công tác tuần tra trên biển, kịp thời ngăn chặn các hành vi khai thác tận diệt trên vùng biển tỉnh TT – Huế.

Với vai trò là lực lượng chủ công, Phòng chống khai thác giã cào nói riêng và các hành vi khai thác thủy sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định nói chung (gọi tắt là IUU) là nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan đơn vị, từ Bộ chỉ huy đến các đồn trạm Biên phòng. Bằng sự quyết tâm và nỗ lực của toàn thể các đơn vị, lực lượng, chính quyền địa phương cùng với nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, trong năm 2024, mong rằng vấn nạn giã cào sẽ bị ngăn chặn, qua đó trả lại sự bình yên trên ngư trường của bà con ngư dân.

Thành Nhân