2038
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 18/08/2020 14:37
Kết quả thực hiện Chương trình Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng đã khẳng định “kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế tự chủ; góp phần huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 21/07/2017 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII). Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư như: Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Quyết định 39/2018/QĐ-UBND, ngày 26/8/2018 của UBND tỉnh; chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình phát triển trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định 13/2018/QĐ-UBND, ngày 09/2/2018; Quyết định 17/2020/QĐ-UBND, ngày 01/4/2020 của UBND tỉnh về quy định định mức, điều kiện hỗ trợ lãi suất vay vốn ban đầu và triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Kết nối với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết với thị trường quốc tế. Rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán vốn tại doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, bao gồm cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả theo cơ chế thị trường. Tạo cơ hội cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, công bằng, an toàn, thân thiện và tự do sáng tạo cho doanh nghiệp.

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ theo tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) và Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:  

- Tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, tập trung việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực: nộp thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh.

- Tăng cường nghiên cứu, thực hiện các sáng kiến nhằm cắt giảm các  thành phần hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp theo quy định, đặc biệt đối với thủ tục đăng ký hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

- Tập trung xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử, hoàn thiện các quy trình vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện… Duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về Chính quyền điện tử, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh nằm trong nhóm tốt nhất của cả nước. Thực hiện các giải pháp cải thiện vị trí thứ hạng chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); triển khai hiệu quả chỉ số năng lực cạnh tranh các Sở, Ban, Ngành và địa phương (DCCI).

- Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng CNTT và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2015, triển khai ISO điện tử (ISO online). Rà soát các thủ tục hành chính để chuẩn hóa theo quy trình ISO 9001:2015. Tăng cường tiếp nhận, giao trả trực tuyến TTHC mức độ 3, mức độ 4, tạo lập hồ sơ, tài khoản trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

- Thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực hiện có hiệu quả Quyết định 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Kế hoạch 1540/KH-UBND, ngày 10/7/2017 của UBND tỉnh về “Kế hoạch hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”. Tập trung hỗ trợ khu làm việc chung, hỗ trợ đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ tài chính, tín dụng cho khởi nghiệp sáng tạo… theo Quyết định 39/2018/QĐ-UBND, ngày 28/6/2018 của UBND tỉnh.

Bảo Long - VPTU