2612
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 09/06/2020 11:03
Hương Thủy: Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi
Sau gần 10 năm triển khai, hiệu quả từ Đề án Phát triển kinh tế vùng gò đồi đã đóng góp không nhỏ trong mục tiêu giảm nghèo bền vững của thị xã Hương Thủy. Xã Phú Sơn và Dương Hòa là 2 minh chứng về hiệu quả của Đề án này.
Thanh trà - một trong những cây chủ lực tại các xã vùng gò đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi được thị xã Hương Thủy triển khai từ năm 2012, bắt nguồn từ thực tế các xã: Dương Hòa, Phú Sơn, Thủy Phù và Thủy Bằng chưa khai thác có hiệu quả lợi thế, tiềm năng vùng gò đồi để nâng cao đời sống người dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. 

Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy chia sẻ: “Thời điểm đó vẫn có nhiều hộ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi nhiều cây trồng, vật nuôi mới, như: thanh trà, tiêu, chè, gà thả vườn, heo rừng, dê, cá chình… nhưng thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích vùng gò đồi chỉ đạt bình quân từ 10 - 15 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người chỉ 11,6 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn vùng còn cao với 10,59%. Nghĩa là chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế”.

Từ thực tế trên, cộng thêm việc chưa có những mô hình hoạt động sản xuất - kinh doanh năng động, sự phát triển của các thành phần kinh tế còn thiếu định hướng khoa học và bền vững, qua nghiên cứu, Hương Thủy quyết định đẩy mạnh tốc độ khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng gò đồi, đi kèm với đó là xây dựng các mô hình phát triển, những giải pháp sinh kế bền vững, đồng thời chú trọng thêm ngành công nghiệp dịch vụ phụ trợ để thúc đẩy ngành nông - lâm phát triển nhằm chủ động trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Để triển khai thực hiện, Hương Thủy đã tổ chức nhiều lần họp bàn, chỉ ra những phương án hợp lý nhất, tối ưu nhất với phương thức Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân chủ động đầu tư và cũng là chủ thể trong việc phát triển kinh tế vùng gò đồi. “Mấu chốt là Hương Thủy đã giải được bài toán giao đất, giao rừng cho người dân địa phương một cách hợp lý, định hướng cho người dân biết cách làm chủ vườn, rừng của mình, cân bằng được mối quan hệ cung - cầu cũng như vươn lên làm giàu theo định hướng kinh tế chung của toàn vùng”, ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho biết. 

Đến nay, ngoài lâm nghiệp, 4 xã vùng gò đồi của thị xã Hương Thủy còn được biết đến với cây trồng chủ lực là thanh trà, hồ tiêu... khi cho thu nhập bình quân 300 - 400 triệu/ha/năm. Còn về chăn nuôi, đó là sự xuất hiện của nhiều hộ phát triển thành gia trại nuôi gà với 1.000 - 4.000 con/lứa, như của các ông: Nguyễn Trọng Huy, Lê Văn Phi, Bùi Vĩnh, Đặng Thị Hiếu, Lê Thị Uyên, Ngô Viết Dũng… hay các trại heo nái hướng nạc, từ 50 - 200 con của các ông: Trần Trường, ông Nguyễn Trọng Huy, Lê Văn Phi, Bùi Chúng… 

Bên cạnh các mô hình nói trên, phát triển trang trại cũng là mục tiêu trọng tâm trong đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi của Hương Thủy. Từ dưới 10 trang trại, đến nay, các xã vùng gò đồi đã có gần 20 trang trại tổng hợp, trong đó, tiêu biểu là trang trại của ông ông Nguyễn Hồng Lam ở xã Thủy Bằng (Tập đoàn Quế Lâm) với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. 

Từ tiềm năng, lợi thế của mình, Phú Sơn xác định lâm nghiệp và chăn nuôi là kinh tế mũi nhọn của xã. Đến nay, bên cạnh 2.687,8 ha rừng trồng sản xuất, Phú Sơn có 38 hộ gia đình, cá nhân được cấp chứng chỉ rừng FSC với diện tích 324,42 ha. Riêng trong năm 2019, đã có thêm 50 hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn với diện tích 692,7ha, đồng thời, thành lập 2 chi hội trồng rừng gỗ lớn và HTX Lâm nghiệp bền vững Phú Sơn. “Nếu như năm 2015, tổng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 24,7 tỷ đồng, thì năm 2019, con số này là 36,9 tỷ đồng”, ông Đỗ Viết Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn so sánh. 

Phát huy thế mạnh của mình, ngoài các mô hình như heo hướng nạc, bò lai bán thâm canh, dê bán thâm canh, đến nay, tổng đàn gia cầm (chủ yếu là gà thả vườn) đã phát triển lên 180.650 con, đưa tổng giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi năm 2019 đạt 20,6 tỷ đồng… “Hiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,59%. Đó là cơ sở để phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều ở Phú Sơn còn dưới 2,5%”, ông Tùng cho biết. 

Còn tại Dương Hòa, với việc lấy lâm nghiệp làm kinh tế chủ lực, đến nay, diện tích rừng trồng ở địa phương này đạt 1.718,82 ha, trong đó, diện tích tham gia rừng chứng chỉ FSC là 390 ha và đã thành lập 2 HTX Lâm nghiệp rừng bền vững. “Kể từ khi triển khai, chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi đã đầu tư hỗ trợ cho người dân nơi đây phát triển sản xuất 26 hạng mục với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Hiện, các dự án đang phát triển tốt và đã phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Minh chứng gần nhất là năm 2019, thu nhập bình quân đầu người 41,87 triệu đồng. Từ lợi thế, tiềm năng vùng gò đồi, đến năm 2025, Dương Hòa phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng và giảm từ 17 hộ nghèo xuống còn 7 hộ nghèo”, ông Nguyễn Cửu Ngọc, Chủ tịch UBND xã Dương Hòa nói. 

Có thể thấy, đề án phát triển kinh tế vùng gò đồi đã được thị xã Hương Thủy triển khai khá hiệu quả và thể hiện rõ qua từng con số. Thời gian đến, như lời Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy Lê Ngọc Sơn, Hương Thủy tiếp tục ưu tiên thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư nhân rộng các mô hình có hiệu quả; có các chính sách để phát triển mạnh các loại hình trang trại, gia trại; tăng diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày và đi kèm là giảm tương ứng diện tích trồng cây lâm nghiệp ở những địa phương phù hợp…

Thanh Đoàn