665
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 30/12/2014 15:35
Hướng đến một trung tâm dệt may của miền Trung
Nhiều năm liền ngành dệt may của tỉnh luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu (XK) trên địa bàn. Năm 2014, dệt may vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh (XK 77,5%). Đây là tiền đề để Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành trung tâm dệt may của miền Trung và cả nước.

Hiện toàn tỉnh có gần 40 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và gia công hàng dệt may, trong đó có khoảng 5 DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn.

 

Năm 2014, nhờ các dự án đầu tư mới đưa vào hoạt động, như: Nhà máy sợi Phú Mai, Phú Việt, Phú An, Phú Anh; Nhà máy may Vinatex Hương Trà, Công ty Quốc Thắng... đã giúp ngành dệt may tiếp tục phát huy và duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, đưa kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của ngành dệt may năm 2014 ước đạt 476,0 triệu USD, tăng 12,49% so với năm 2013, chiếm 76,53% tổng KNXK của tỉnh và đạt 103,48% kế hoạch năm.

 

Ngoài ra còn có các dự án khác như Nhà máy Sợi Phú Hưng, Nhà máy Sợi của Công ty CP đầu tư dệt may Thiên An Thịnh, Nhà máy may của Công ty Cổ phần dệt may Thiên An Phú mới đưa vào hoạt động hứa hẹn sẽ tiếp tục đưa ngành dệt may tiếp tục “bứt phá“ trong những năm tới. Gần nhất, năm 2015, dệt may Thừa Thiên Huế phấn đấu ở vị trí dẫn đầu, với KNXK đạt 521,0 triệu USD, tăng 9,45% trong tổng số 680,0 triệu USD KNXK hàng hóa của tỉnh, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 của tỉnh đạt 23.435 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

 

Tuy nhiên, để hướng đến một trung tâm dệt may không phải dễ. Ông Võ Phi Hùng - Giám đốc Sở Công thương Thừa Thiên Huế - thừa nhận: Ngành dệt may tuy góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo ra lực lượng lao động khá lớn (chiếm 44% lao động công nghiệp toàn tỉnh), nhưng thu nhập của người lao động không cao, nguồn nguyên liệu còn phụ thuộc vào nhập khẩu (ngành dệt may NK chiếm 61,8%).

 

Để đưa Huế trở thành trung tâm dệt may, UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh lập đề án quy hoạch công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành dệt may đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ông Phan Thiên Định - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - chia sẻ, đây là vấn đề cấp bách nên Sở đang làm việc với Trung tâm tư vấn Ban điều phối vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bàn kế hoạch xây dựng nội dung, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện.

Ông Lê Tự Dũng - Phó giám đốc Sở Công thương - cho hay: Cùng với đề án quy hoạch ngành dệt may, hiện sở đang triển khai công tác đào tạo nghề từ các nguồn vốn khuyến công, Kế hoạch khôi phục và phát triển nghề của UBND tỉnh nhằm giúp các DN dệt may có nguồn lao động có tay nghề để mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2014, gần 1.000 lao động được đào tạo nghề may và dự kiến năm 2015 sẽ có thêm 600 lao động được đào tạo nghề. Mặt khác, để đón đầu, Sở đã triển khai đào tạo một số nghề như thêu máy, thêu tay, thêu áo dài, logo nhãn hiệu; hỗ trợ thiết bị máy móc để phát triển ngành may nhằm phục vụ trung tâm thiết kế mẫu thời trang trong tương lai.

 

Theo đề án quy hoạch ngành dệt may, thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung triển khai các dự án nâng cao giá trị sản phẩm, khuyến khích các DN chuyển hướng đầu tư từ gia công sang sản xuất sản phẩm cuối cùng, mở rộng thị trường tiêu thụ; tập trung phát triển các mặt hàng dệt kim, dệt thoi (2 sản phẩm có khả năng gắn kết các khâu sản xuất sợi, may mặc) nhằm tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); kêu gọi các nhà đầu tư lớn, các DN trong ngành sản xuất thêm nguyên phụ liệu, vải, sợi để hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh; đầu tư xưởng cơ khí sửa chữa phục vụ các nhà máy dệt may…

 

Công Thương