1564
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 28/04/2020 14:21
Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Nghị quyết 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã xác định mục tiêu tổng quát “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bản đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Hội nghị đánh giá 10 năm triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành danh cho doanh nghiệp được tổ chức tại Thừa Thiên Huế

Trong những năm qua, một trong những rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong hoạt động gia nhập thị trường và tiến hành kinh doanh là các chi phí để tuân thủ các quy định của pháp luật. Trước bối cảnh nước ta đang tập trung xây dựng “Quốc gia khởi nghiệp”, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0 lại càng đòi hỏi sự hỗ trợ nhiều mặt trong đó có hỗ trợ pháp lý. Trước khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được ban hành năm 2017, cơ sở pháp lý cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là Nghị định 66/2008/NĐ-CP, ngày 28/5/2008 của Chính phủ. Trên cơ sở Điều 14 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ về hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.

Thừa Thiên Huế hiện tại có khoảng 6000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn (hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Trong đó, pháp lý trong quá trình hoạt động doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng mà doanh nghiệp luôn quan tâm. Với mục tiêu luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Quyết định 863/QĐ-UBND, ngày 31/3/2020 về chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Qua đó, hỗ trợ hơn nữa cho những khó khăn về thủ tục, pháp lý cho doanh nghiệp và tăng tính sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó tạo bước chuyển biến cơ bản về nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc:

-  Việc nắm bắt các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp cũng như quản lý doanh nghiệp gặp khó khăn, không thuận lợi cho quá trình triển khai, thực hiện.

-  Sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ pháp lý chưa được đồng bộ, phối hợp chưa chặt chẽ và hiệu quả. Người quản lý, chủ doanh nghiệp chưa chủ động nghiên cứu pháp luật để nắm bắt các quy định cơ bản của pháp luật trong kinh doanh, thực hiện phòng, tránh rủi ro.

-  Đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn ít về số lượng, chưa được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

-  Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi, các văn bản luật liên quan đến doanh nghiệp có tính ổn định chưa cao, văn bản hướng dẫn thi hành chậm, nhiều văn bản còn chồng chéo, bất cập dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng.

-  Khả năng tiếp cận chính sách của các doanh nghiệp còn chậm nên dẫn đến lúng túng, thiếu sót trong quá trình áp dụng thực hiện.

-  Nghị định 55/2019/NĐ-CP, ngày 24/6/2019 của Chính phủ đã đáp ứng sát với nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá hiệu quả các chương trình hỗ trợ pháp lý.

-  Theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017, phạm vi quy định về doanh nghiệp vừa và nhỏ rất rộng, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến tiềm lực hỗ trợ cũng như khả năng đáp ứng của các cơ quan quản lý và thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Để tiếp tục triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Nghị định 55/2019/NĐ-CP, ngày 24/6/2019 của Chính phủ, các địa phương, đơn vị cần quan tâm một số nội dung sau:

- Đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ theo tinh thần Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.

- Nâng cao năng lực, đào tạo nguồn nhân lực thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các sở, ban, ngành. Biên soạn các bản tin, sổ tay, tài liệu về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

- Nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin pháp lý trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và hội nhập, nhất là hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh trong nước và các cam kết quốc tế tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, chủ động hội nhập quốc tế của doanh nghiệp thông qua hoạt động.

- Tăng cường hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể.

Bảo Long - VPTU