Hộ ông Trần Khiêm ở vùng trang trại xã Quảng Lợi là một trong những điển hình. Với mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt trên diện tích 3,5 ha, gia đình ông đã cải tạo đất, xây dựng mô hình kinh tế theo hướng đa cây đa con. Trong đó, đã đưa vào nuôi các loại vật nuôi như baba, gà, vịt, lợn siêu nạc và bò; trồng các loai cây đậu đổ, lúa, cây lâm nghiệp, nhất là được sự hỗ trợ từ nguồn vốn của dự án Luxembourg, gia đình ông đã đưa vào trồng 2.000 gốc cây măng tây. Sau khi trừ chi phí, mô hình đã cho lợi nhuận trên 150 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động, và khoảng 10 lao động thời vụ.
Cùng với các mô hình trên vùng trang trại rú cát, ở xã Quảng Phú có thanh niên Trương Đình Anh ở thôn Hạ Lang, với quyết chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình, năm 2014 anh đã mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng chuồng trại và bắt tay vào nuôi thử nghiệm cá lóc thương phẩm. Do tích cực tìm hiểu phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi qua sách báo, đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trong chăn nuôi từ khâu cho ăn tới việc vệ sinh chuồng trại và ngặt quy trình phòng ngừa dịch bệnh, nên anh đã thành công trong việc nuôi cá lóc trong bể xi măng. Từ thành công bước đầu, anh Anh đã mạnh dạn đầu tư kinh phí làm 5 bể xi măng nuôi cá lóc, 12 lồng nuôi cá diêu hồng trên sông bồ. Mô hình này được đón nhiều lượt cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm. Tổng thu năm 2015 của gia đình anh đạt gần một tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng.
Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện cũng đã và đang tích cực đầu tư phát triển kinh tế bằng các mô hình nuôi vịt trời, nuôi lợn đệm lót sinh học, nuôi ngan pháp, nuôi lương trong bể không bùn… Việc lồng ghép các chương trình, dự án và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các chính sách hỗ trợ khác, như hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế; tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT trong trồng trọt và chăn nuôi; chương trình vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế cho các hộ nghèo, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn… đã giúp người dân có thêm cơ hội thực hiện các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp đạt hiệu quả.
Tuy vậy, kinh tế nông hộ và nông trại đang đi vào sản xuất hàng hóa, chịu sự chi phối của cơ chế thị trường, song nhiều nông hộ vẫn chưa nắm bắt thông tin thị trường, chưa biết và chưa đủ điều kiện để tổ chức sản xuất thích hợp với thị trường. Do vậy, trước mắt Nhà nước cần thực hiện công tác hỗ trợ thông tin thị trường cho nông dân. Còn nông hộ nông trại với tư cách đơn vị kinh tế cơ sở tự chủ, cần chủ động lựa chọn những loại nông sản có thị trường tiêu thụ, có giá trị kinh tế cao, tổ chức lại đồng ruộng của mình, thực hiện thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, chủ động thực hiện các hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.
Với sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của người dân, hoạt động phát triển kinh tế hộ đã có những bước chuyển đáng ghi nhận. Nhiều mô hình phát triển kinh tế nông hộ được lựa chọn và thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo cân bằng sinh thái, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công Cường