Là huyện thuần nông có diện tích sản xuất đất nông nghiệp hơn 10.000 ha, những năm trước đây, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, tỷ lệ sử dụng giống mới chỉ chiếm 50 - 60%. Đại đa số bà con sử dụng giống ngô, lúa truyền thống nên năng suất, sản lượng thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao. Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, Huyện ủy đã chỉ đạo các đảng bộ xã xây dựng nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và phát triển sản xuất hàng hóa của địa phương mình. Các đảng bộ cơ sở đã phát huy dân chủ, lấy ý kiến tham gia từ toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân để đề ra các biện pháp, giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả.
Đảng bộ huyện đã phân công các đồng chí cấp ủy viên phụ trách địa bàn cùng các đảng ủy xã, thị trấn chỉ đạo trực tiếp nhân dân phát triển sản xuất. Chỉ đạo các đảng viên phát huy vai trò gương mẫu đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng quỹ đất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của từng thôn xóm, luân canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, sử dụng giống lúa, ngô mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Mía cẩm tân ở Quảng Phú
Tại những vùng lúa trọng điểm ở các xã Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thọ và thị trấn Sịa, Quảng Vinh và Quảng Phú, các địa phương đã phối hợp ngành nông nghiệp đưa vào khảo nghiệm và sản xuất các giống lúa chất lượng cao. Đã từng bước hình thành các vùng chuyên canh thực phẩm ven sông Bồ, vùng chuyên canh cây công nghiệp ở các xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Phú và Quảng Vinh, và nhiều loại cây trồng có giá trị khác. Nhiều mô hình chuyên canh đã mang lại giá trị thu nhập cao như vùng chuyên rau ở Quảng Thành, thị trấn Sịa vùng chuyên mía ở Quảng Phú, chuyên rau má ở Quảng Thọ... Đồng thời, Trung tâm khuyến nông lâm ngư huyện đã xây dựng thành công nhiều mô hình tại các xã, thị trấn như: Sản xuất rau an toàn, luân canh cây trồng trên đất màu, luân canh cây trồng trên đất lúa để thực hiện chủ trương "xây dựng cánh đồng có thu nhập trên 70 triệu đồng/ha". Các mô hình khuyến nông có hiệu quả ở huyện từng bước được nhân rộng; xuất hiện ngày càng nhiều cánh đồng “không cho đất nghỉ”. Nhiều mô hình trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nên nhiều điểm sáng quan trọng trong sản xuất.
Mướp đắng trái vụ ở Quảng Thái
Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cầu cây trồng, huyện Quảng Điền cũng đặc biệt chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi. Đã vận động bà con nhân dân đưa vào thả nuôi các giống lợn siêu nạc, mạnh dạng ứng dụng chế phẩm EM vào vật nuôi để mạng lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, huyện đã khuyến khích vận động người dân mở rộng diện tích mặt nước phá Tam Giang đưa vào thả nuôi 676,2 ha nước lợ. Với phương thức thả nuôi theo hướng “an toàn hiệu quả và bền vững”, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất đã nâng cao hiệu quả trên tất cả các loại hình nuôi, hạn chế được rủi ro do dịch bệnh gây ra, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Cùng với việc đẩy mạnh nuôi trồng, thủy sản, Quảng Điền đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi. Nhân rộng các mô hình đã được khẳng định có hiệu quả như mô hình nuôi chim cút, chăn nuôi vịt đàn, nuôi lợn... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Mô hình rau xanh ở Quảng Thành
Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân đã được các đoàn thể và các phòng chức năng quan tâm. Đã mở các lớp tập huấn về thâm canh lúa, ngô, chăn nuôi; xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn về tăng hệ số sử dụng đất, bố trí cây trồng hợp lý, tạo ra sản phẩm chất lượng. Đến nay, bà con đã sử dụng 100% giống lúa xác nhận, đưa vào sản xuất các loại cây trồng mới như hoa, rau má, bắp đậu… Nhờ vậy, những năm gần đây, năng suất cây trồng, sản lượng lương thực tăng được tăng lên rõ rệt. Để tăng năng suất hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác UBND huyện đã thực hiện nhiều chính sách đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vận động bà con nông dân mạnh dạng chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Theo đó đã đưa vào trồng 27 ha hoa, 47 ha rau má, 5 ha nưa, 30 ha mía cẩm tân, 60 ha rau xanh… bình quân mỗi ha cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, đưa bình quân thu nhập đầu người của huyện đạt 25 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5%, góp phần vào việc hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tại Quảng Điền.
Công Cường