Với quyết tâm “không để ai bỏ lại phía sau” trên hành trình giảm nghèo, các chương trình tín dụng chính sách xã hội là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành một điểm sáng, một trong những trụ cột cho hoạt động chính sách, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương, được nhận dân đồng tình ủng hộ và theo đó nhiều hộ nghèo đã được thụ hưởng chính sách, mở rộng sản xuất kinh doanh, vươn lên ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc đến cuối năm 2024 còn 1,07%.
Câu chuyện của chị Phạm Thị Bảo Thanh (Ở TDP 9, thị trấn Phú Lộc) là một điển hình. Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng chị Thanh không có công việc làm ổn định, làm thuê quanh năm, cuộc sống vô cùng bấp bênh. Trước những khó khăn đó, năm 2020 chị được bố mẹ cho 4 con bò làm kế sinh nhai. Với kinh nghiệm chăn nuôi tích lũy trong thời gian qua, đến tháng 8 năm 2023, thông qua Hội CCB thị trấn Phú Lộc chị vay 60 triệu đồng, Chị Thanh đã đầu tư sửa lại chuồng và mua thêm 06 con bò giống. Qua hơn 01 năm, đàn bò đã sinh sản thêm 6 con và hiện nay chị đã có đàn bò với 16 con. Chị Thanh tâm sự: “Nhờ đồng vốn của NHCSXH, tôi mới mạnh dạn mở rộng đầu tư nuôi bò như hiện nay, cuối năm nay tôi dự định bán 02 con để trang trãi chi phí học tập cho con cái cũng như mua những đồ dùng thiết yếu sinh hoạt trong gia đình. Vợ chồng tôi sẽ dành dụm, tiết kiệm chi tiêu để trả lãi, gửi tiết kiệm đều đặn hằng tháng ở tổ vay vốn”.
Hộ vay mở rộng quy mô đầu tư nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
Tương tự như gia đình chị Thanh, gia đình Ông Nguyễn Hóa và bà Nguyễn Thị Lý cũng có hoàn cảnh như vậy. Cuộc sống trước đây phụ thuộc vào mấy sào lúa, nuôi vài con heo, con gà, thu nhập không ổn định. Cũng thông qua Hội phụ nữ xã, ông được vay 50 triệu đồng để nuôi 02 lồng cá trắm cỏ. Và đến nay đàn cá 600 con đã đến kỳ thu hoạch, thu về gần 90 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí thì lãi cũng gần 60 triệu đồng. Từ đó đã giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định, có chi phí để lo cho 4 người con đến trường.
Thực sự, NHCSXH huyện Phú Lộc là địa chỉ tin cậy và trở thành “bà đỡ” cho những người nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đến đầu tháng 12/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Phú Lộc đạt hơn 612 tỷ đồng, tăng 57 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng là 14%, với hơn 12 ngàn khách hàng vay vốn. Có thể khẳng định, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã đóng góp một phần khá quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Bà Lê Thanh Bình - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu Huyện ủy, HĐND và UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư; trong đó, trọng tâm là phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt hơn nữa hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nâng cao chất lượng tín dụng, hoạt động giao dịch tại xã, hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn, góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững, xây dựng huyện Phú Lộc phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm là vùng kinh tế động lực của Thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Thư - Thiên An