Đồng hành cùng hội viên, tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho phụ nữ gắn kết chặt chẽ với việc giới thiệu, tạo việc làm cho lao động nữ.
Từ năm 2017 đến năm 2020, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 23 khóa tập huấn nghiệp vụ công tác Hội và hướng dẫn thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”. Thông qua 02 lần tổ chức cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” (2019 và 2020) đã chọn được 45 đề án tham dự các cuộc thi "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh" (2019), “Khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công” (2020) của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Trong năm 2021, đã có 13 dự án, ý tưởng khởi nghiệp của hội viên phụ nữ Thừa Thiên Huế được lựa chọn tham gia đào tạo trực tuyến để dự thi vào vòng trong do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm sáng tạo OCOP”. Qua các cuộc thi về khởi nghiệp, nhiều ý tưởng sáng tạo, có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, thực phẩm an toàn, nghề truyền thống… của phụ nữ đã được hỗ trợ, phát triển.
Việc thành lập các câu lạc bộ nhằm chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, giúp đỡ hội viên phụ nữ khởi nghiệp được quan tâm. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã thành lập được 06 câu lạc bộ “Phụ nữ khởi nghiệp” với 176 thành viên là những nữ doanh nghiệp, các thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác, các mô hình sản xuất, kinh doanh và các cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp.
Hội LHPN tỉnh cũng đã thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp mới thành lập của phụ nữ. Đến nay, các cấp Hội đã thành lập 78 tổ liên kết; 11 tổ hợp tác; 06 hợp tác xã trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Từ quá trình vận động thành lập và đi vào hoạt động, các cấp hội tiếp tục theo dõi, hỗ trợ về nhiều mặt như hỗ trợ vốn vay ưu đãi, kết nối thị trường, các doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản; tập huấn quản lý tài chính, nhân sự, cách thức vận hành hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết; hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm; đề xuất, kết nối với các Ban, ngành liên quan hỗ trợ các mô hình được thụ hưởng chính sách ưu đãi về mặt bằng, đầu tư cơ sở vật chất cải tiến quy trình sản xuất tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, tư vấn, giới thiệu phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn hiện có trên địa bàn tỉnh, các nguồn vốn do Hội quản lý, quan tâm đối với hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn có ý chí tiếp cận thị trường cũng như ưu tiên mô hình kinh tế tập thể, hộ kinh doanh có ý tưởng sáng tạo hiệu quả hoặc hộ tham gia vào các ngành nghề tạo ra sản phẩm chủ lực của địa phương được các cấp hội quan tâm.
Từ năm 2017 - 2020, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển đã hỗ trợ 3 tỷ 490 triệu đồng cho 168 chị vay vốn với số tiền từ 20 - 50 triệu đồng/người. Đồng thời, Hội LHPN tỉnh đã tích cực triển khai chương trình ủy thác vay vốn nhằm giúp cho hội viên sớm tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp hội viên phụ nữ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng thu nhập gia đình và ổn định cuộc sống. Chỉ tính riêng trong năm 2020, các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thông qua 1.443 tổ vay vốn và tiết kiệm cho 53.578 hộ vay vốn với tổng dư nợ trên 1.747 tỷ đồng; duy trì 1.443 mô hình tiết kiệm tại các chi, tổ phụ nữ trên 54 tỷ đồng.
Với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang khơi nguồn cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Hà Lam