Chất lượng dịch vụ, du lịch được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân, giải quyết nhiều việc làm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của thị xã. Các loại hình dịch vụ phát triển khá toàn diện với nhiều loại hình đa dạng, phong phú và có mức tăng trưởng cao. Thương mại dịch vụ tăng bình quân 22%/năm; tổng giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt 20 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần so năm 2010. Dịch vụ du lịch gia tăng về số lượng du khách, hơn 70% lượng khách đến Huế ghé tham quan các địa điểm tại thị xã Hương Trà. Các loại hình dịch vụ bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, văn hóa, thể thao, vệ sinh môi trường... đều phát triển cả về chất và lượng. Các loại hình dịch vụ phục vụ nông nghiệp như cung ứng vật tư, giống cây trồng, bảo vệ thực vật, thuỷ lợi, làm đất, thu hoạch lúa... phát triển. Số cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tăng khá nhanh, năm 2010 có 4.000 cơ sở, đến nay đã có gần 6.000 cơ sở, trong đó, có gần 100 doanh nghiệp và khoảng 5.500 hộ cá thể hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết vẫn còn một số ngành dịch vụ phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thị xã như dịch vụ du lịch, dịch vụ văn hóa - thể thao, dịch vụ mang tính phúc lợi công cộng,…
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã khóa XIII, giai đoạn 2016 - 2020, Thị ủy Hương Trà đã thống nhất tập trung phát triển mạnh dịch vụ trở thành ngành kinh tế chủ đạo để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp”. Phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng hoạt động các ngành dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội; phát triển dịch vụ thương mại, du lịch gắn với thị trường trong, ngoài tỉnh và quốc tế. Nâng cao chất lượng sản phẩm, duy trì thương hiệu đã có và xây dựng thương hiệu sản phẩm mới; xây dựng phong cách phục vụ văn minh, hiện đại và uy tín.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành dịch vụ 19 - 20%/năm. Tỷ trọng khu vực dịch vụ năm 2020 chiếm 47% trong cơ cấu kinh tế. Đến năm 2020 thu hút khoảng 22.000 - 25.000 lao động, chiếm 38-40% lao động làm việc trong nền kinh tế. Đồng thời, thực hiện tốt mười một nhiệm vụ cần tập trung thực hiện như sau:
1. Phát triển thương mại theo hướng bền vững; khuyến khích đầu tư hệ thống nhà hàng đạt chuẩn, có thương hiệu phục vụ khách du lịch và tiêu dùng; đầu tư hình thành các siêu thị tổng hợp và chuyên doanh, trung tâm thương mại, cửa hàng bách hóa tổng hợp. Phát huy lợi thế giao thông, địa bàn tiếp giáp với các huyện, thành phố Huế để mở rộng mạng lưới thương mại dịch vụ đến các cơ sở sản xuất, thôn xóm, làng nghề, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, tạo sự lưu thông, trao đổi hàng hóa thuận lợi. Coi trọng phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh; phát triển các loại hình chợ truyền thống phục vụ dân sinh; chú trọng hình thành và phát triển mạng lưới bán lẻ. Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống chợ theo quy hoạch; có giải pháp huy động vốn xây dựng một số chợ ở các xã, phường theo quy hoạch của tỉnh và nông thôn mới; hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh cho 30 - 40% tổng số chợ trên địa bàn. Tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới xăng dầu giai đoạn 2016 - 2020; tạo điều kiện cho các cửa hàng xăng dầu thực hiện di dời theo quy hoạch. Khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế xúc tiến đầu tư các dự án dịch vụ tại các điểm dân cư. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, chú trọng khai thác các thị trường tiềm năng; tích cực kêu gọi liên doanh, kiên kết, hợp tác trong phát triển dịch vụ thương mại.
2. Triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển ngành du lịch. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, hạn chế tình trạng ăn xin, chèo kéo du khách… Khai thác, phát huy những lợi thế về tài nguyên du lịch và vị trí địa lý để phát triển du lịch bền vững; gắn phát triển du lịch với phát triển văn hóa, thể thao, làng nghề và bảo vệ môi trường, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nông thôn. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, hấp dẫn và chất lượng cao. Xây dựng các sản phẩm du lịch có tính chất đặc thù, mang bản sắc riêng của Hương Trà. Đầu tư, tôn tạo một số điểm di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn; phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.
3. Thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ, kinh tế trang trại trong nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng tăng hiệu quả và chất lượng, đảm bảo năng lực cạnh tranh. Nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp, làng nghề.
4. Tiếp tục nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ tín dụng ngân hàng, chú trọng dịch vụ huy động vốn, cung ứng tín dụng, dịch vụ thanh toán; tạo điều kiện để các doanh nghiệp và nhân dân tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh chóng, thuận lợi. Đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm; nâng cao chất lượng, uy tín phục vụ, đảm bảo giải quyết kịp thời và đầy đủ các quyền lợi cho khách hàng.
5. Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải nâng cao chất lượng vận chuyển, nhất là dịch vụ vận tải công cộng, tạo điều kiện triển khai các dự án phát triển dịch vụ vận tải trên địa bàn.
6. Phấn đấu doanh thu dịch vụ bưu chính viễn thông tăng 15%/năm. Nâng cao chất lượng chuyển phát, mở rộng cung cấp các dịch vụ công, thu hộ ngân hàng, viễn thông tin học và các dịch vụ gia tăng khác.
7. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; phát triển và quản lý tốt các cơ sở y tế tư nhân. Xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
8. Tiếp tục nâng cao chất lượng, quản lý tốt các lớp mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình, dạy thêm và học thêm. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển giáo dục. Khuyến khích hình thành các Trung tâm ngoại ngữ, Tin học... nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân trên địa bàn. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng cung cấp nguồn lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp trên địa bàn, gắn công tác đào tạo và tư vấn sử dụng lao động, tạo điều kiện sau đào tạo người lao động có việc làm. Tăng cường công tác xuất khẩu lao động, phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tìm kiếm thị trường lao động có triển vọng, có chính sách cho vay vốn hỗ trợ người dân tham gia xuất khẩu lao động.
9. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực dịch vụ khoa học công nghệ, hình thành các cơ sở cung cấp thông tin về các thành tựu khoa học, cung ứng công nghệ, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống.
10. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, cung cấp các dịch vụ thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh. Tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực dịch vụ văn hóa, thông tin, thể thao, nhất là thường xuyên kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ Karaoke, Internet trên địa bàn.
11. Xã hội hóa dịch vụ vệ sinh môi trường tại các khu dân cư, cụm, khu công nghiệp-TTCN, làng nghề; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ vệ sinh môi trường.
Để thực hiện có hiệu quả 11 nhiệm vụ trên, Thị ủy đã thống nhất tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, tầm quan trọng của phát triển dịch vụ, du lịch. Thực hiện tốt quy hoạch và tiếp tục xây dựng quy hoạch ngành dịch vụ trên địa bàn thị xã gắn kết với các huyện, thị xã và thành phố Huế. Thực hiện tốt cải cách hành chính, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong việc quản lý, phát triển lĩnh vực dịch vụ; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể cả giai đoạn và từng năm từ thị xã đến các phường, xã. Có chính sách đào tạo, đào tạo lại và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, lao động có kiến thức và am hiểu về lĩnh vực phát triển dịch vụ, du lịch. Tăng cường các biện pháp kích cầu đầu tư, đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển dịch vụ, du lịch; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị nhằm thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch, chú trọng khai thác các thị trường tiềm năng; tích cực kêu gọi liên doanh, kiên kết, hợp tác trong phát triển dịch vụ.
Mai Thanh