Báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong thời gian vừa qua, EVN đã đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu sinh hoạt nhân dân, trong đó công suất phụ tải lớn nhất Pmax đến nay (ngày 27/4/2024) là ~373MW, tăng 11,69% so cùng kỳ và 6,22% so với Pmax năm 2023 (351MW). Dự kiến năm 2024 đạt ~380MW, tăng 8,26% so với năm 2023. Điện thương phẩm tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,23%/năm, giai đoạn 2021-2023 là 5,49%/năm. Điện thương phẩm năm 2023 đạt 2,04 tỷ kWh, tăng 5,37% so với năm 2022. Thực hiện 4T/2024, đạt 621,6 tr. kWh, tăng 6,07% so cùng kỳ (trong đó phụ tải sinh hoạt chiếm tỷ trọng 43%, phụ tải CN-XD chiếm 42%). Về cấp điện nông thôn, đến nay 100% số xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia. Số hộ có điện 349.807/349.812 hộ (~100%).
Đến nay, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đảm bảo cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô. Công ty điện lực Thừa Thiên Huế đã trực tiếp tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ và khuyến khích các khách hàng áp dụng các giải pháp sáng tạo, hiệu quả cao trong sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả (theo Chỉ thị số 20), phấn đấu đạt các chỉ tiêu tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ năm 2024, tương ứng với sản lượng điện tiết kiệm năm 2024 khoảng 40,85 triệu kWh; trong đó: các khách hàng lớn có sản lượng từ 1 triệu kWh/năm trở lên có tổng số 156 khách hàng cần thực hiện tiết kiệm khoảng 16,198 triệu kWh.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị UBND Tỉnh quan tâm, chỉ đạo các đơn vị có mức độ sử dụng điện năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 tăng cường áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện. Hỗ trợ ngành điện tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp và các cơ quan công sở sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, theo kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành thì trên địa bàn tỉnh phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ trên toàn tỉnh trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo. Giảm bớt tổn thất điện năng với hệ thống điện trên địa bàn tỉnh xuống dưới 6% vào năm 2025. Giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện trên địa bàn tỉnh ít nhất 3% đến năm 2025 thông qua thực hiện Chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR). Phấn đấu đến hết năm 2025100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.
Đáp ứng nhu cầu cung cấp điện
Trong những năm qua được sự quan tâm của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, lưới điện và các trạm nguồn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Về nguồn điện, giai đoạn 2021-2023 hoàn thành dự án Nâng công suất TBA 220 kV Huế từ (125+250) MVA lên 2x250 MVA và đưa vào vận hành nhà máy điện rác Phú Sơn, công suất 12MW. Trong giai đoạn 2021-2023, EVNCPC đã thực hiện đầu tư lưới điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với giá trị 846 tỷ đồng. Hiện nay đang triển khai Dự án Hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải tại Nhá máy xi măng Đồng Lâm, công suất 8MW, dự kiến đưa vào vận hành năm 2025. Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đang triển khai dự án TBA 220kV Chân Mây và đường dây đấu nối, dự kiến khởi công xây dựng vào đầu Quý I/2025 và hoàn thành đưa vào hoạt động vào Quý I/2026.
Về lưới điện Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, năm 2024 đã đầu tư với chi phí 127 tỷ đồng với quy mô đầu tư đường dây trung thế xây dựng mới và cải tạo 32,81 km; đường dây hạ thế xây dựng mới và cải tạo 90,41 km; xây dựng mới 64 TBA với dung lượng 19.780 kVA, cải tạo 20 TBA với dung lượng 6.770 kVA, nâng dung lượng 48 TBA với dung lượng từ 8.777 kVA lên 14.530 kVA. Hiện nay, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đang triển khai đầu tư 04 công trình lưới điện 110kV (quy mô: 29,7 km ĐZ; 143MVA; 535 tỷ đồng).
Toàn cảnh buổi làm việc
Nhằm huy động tối đa các nguồn lực, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng lưới điện; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy các lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội tạo động lực, phát triển đột phá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Tổng Công ty bố trí vốn, sớm chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư danh mục các công trình hạ tầng kỹ thuật nguồn điện và lưới điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó quan tâm đến các dự án UBND tỉnh đã đề nghị.
Với việc có nhiều dự án đang chuẩn bị đầu tư vào các Khu Công nghiệp, Cụm công nghiệp, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, vì vậy tỉnh đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm đến phương án cấp điện dự án, chỉ đạo các Tổng Công ty phối hợp với các địa phương để rà soát, cập nhập các dự án dự kiến triển khai vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của các địa phương để có cơ sở triển khai thực hiện dự án theo quy định.
“Hiện nay các xã, huyện, thị xã, thành phố Huế trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; tuy nhiên, quá trình thực hiện đánh giá và xét công nhận các tiêu chí về điện trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã, huyện nông thôn mới, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu vẫn còn một số địa phương chưa đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Công Thương. Đề nghị EVN, EVNCPC quan tâm bố trí nguồn vốn hàng năm để đầu tư xây dựng mới, sửa chữa lưới điện đạt chuẩn theo quy định”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh.
Ngọc Minh