1089
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 08/12/2014 12:25
CP. Việt Nam mở rộng đầu tư nuôi tôm thương phẩm tại Thừa Thiên Huế
Trong những năm qua, bước đầu thành công trên lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc, chăn nuôi chất lượng cao, chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Việt Nam, CP. Việt nam đã xúc tiến mở rộng sản xuất sang nuôi tôm thương phẩm cung cấp ngay cho những nhà máy chế biến thủy sản tại Việt Nam.

Hơn 1 năm qua, CP đã thực hiện các dự án nuôi tôm tại 3 tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), trong đó dự án nuôi tôm ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế là một trong những dự án lớn nhất mà CP đầu tư tại các tỉnh miền Trung, Việt Nam.

Đại diện Ban điều hành CP.Việt Nam cho biết, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhất là chính sách thông thoáng và thu hút đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế, các dự án mà CP đầu tư tại Thừa Thiên Huế bước đầu đem lại hiệu quả và tiến triển tốt. Trên cơ sở đó, trong chiến lược phát triển của mình, CP đã quyết định mở rộng dự án nuôi tôm trên vùng cát ở huyện Phong Điền. Trên diện tích 72 ha được cấp (Điền Lộc 38 ha, Điền Môn 29ha và Điền Hương 11ha), CP đã đầu tư hơn 70 triệu USD xây dựng 3 nhà nuôi tôm (SHRIMP FARM), với 151 ao nuôi tôm khép kín, dự ước tổng sản lượng tôm thương phẩm khoảng 3,8 ngàn tấn/năm. Nguồn tôm giống cũng được CP sản xuất tại Quảng Bình và đáp ứng đủ cho nguồn nuôi tôm thương phẩm ở khu vực miền Trung.

Việc nuôi tôm thương phẩm được áp dụng kỹ thuật tiên tiến, kiểm soát chặt chẽ từ nguồn tôm giống, nguồn nước biển và nguồn nước thải ra từ các ao nuôi tôm nên một năm có thể nuôi được 04 vụ tôm thương phẩm (một chu kỳ nuôi 85 ngày, trọng lượng 1kg tôm khoảng 55-60 con), sản lượng khoảng 45 tấn/ha tôm nuôi. Do tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu nên toàn bộ sản phảm tôm sau khi chế biến đều được xuất khẩu sang thị trường Nhật, Mỹ và các nước châu Âu.

Hiện nay, đã có gần 2000 lao động (gồm lao động phổ thông, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư thủy sản) đang làm việc ở các cơ sở nuôi tôm và nhà máy chế biến tôm của CP tại huyện Phong Điền.

Chiến lược phát triển trong những năm tới, CP muốn mở rộng diện tích nuôi tôm thương phẩm trên vùng cát ở huyện Phong Điền cũng như xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống để phục vụ cho việc nuôi tôm tại chỗ và cung cấp giống tôm cho người dân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các vùng lân cận. Đồng thời, từng bước CP sẽ chuyển giao công nghệ và việc điều hành, quản lý các cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến cho người ViệtNamthực hiện.

Tại buổi thăm và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn CP. Việt Nam vào chiều ngày 04/12, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho rằng, Lãnh đạo tỉnh rất yên tâm cũng như đánh giá cao sự đầu tư và phát triển sản xuất của CP. Việt Nam tại Thừa Thiên Huế trong những năm qua. Với bờ biển dài, vùng cát rộng, tiềm năng về chăn nuôi và nuôi tôm trên cát còn rất lớn, vì vậy tỉnh Thừa Thiên Huế luôn luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho CP thực hiện chiến lược phát triển và mở rộng sản xuất tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, mong muốn thông qua việc đầu tư tại Thừa Thiên Huế, CP sẽ là đầu mối cho việc chuyển giao công nghệ chăn nuôi cũng như bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân trên địa bàn.


Văn Hướng