Tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An, Thành phố Huế nhiều năm trở lại đây là khu vực trọng điểm về nghề nuôi cá lồng vượt lũ với khoảng 200 lồng cá trên tổng số hơn 900 lồng được thả nuôi tại khu vực cửa biển Thuận An. Với vị trí đặc thù nằm ở hạ nguồn, mùa mưa lũ khi nước bạc đổ về sẽ làm thay đổi đột ngột môi trường nước gây ảnh hưởng đến cá nuôi, ngoài ra kết hợp với dòng chảy mạnh cũng sẽ dẫn đến thất thoát lồng nuôi nếu không có các biện pháp gia cố. Bước vào cao điểm mùa mưa lũ năm nay, nhiều hộ dân tại đây đã lắp đặt hệ thống phao nổi cho từng lồng bè, đảm bảo nước lên lồng bè lên, đồng thời sẵn sàng các phương án gia cố, rào lưới để giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Anh Trần Văn Phước, Ngư dân phường Thuận An, Thành phố Huế cho biết, Hơn 30 lồng bè của gia đình đang trong thời kì thu hoạch, nên gia đình đã sẵn sàng các biện pháp để bảo đảm lồng nuôi, nếu qua được mùa mưa lũ này để đến Tết, giá bán sẽ còn cao hơn nữa.
Ông Nguyễn Đặng Hoài Thương, cán bộ phụ trách Nông nghiệp UBND phường Thuận An, TP Huế cho biết,địa phương cũng thường xuyên thông tin đến bà con tình hình diễn biến thiên tai, vận động bà con có phương án thu hoạch sớm đối với các đối tượng nuôi đã đến kì thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Hệ thống phao nổi giúp bảo vệ lồng cá vào mùa nước dâng.
Thiên tai luôn là nỗi ám ảnh của những người nuôi trồng thủy sản nếu không có các phương án chủ động ứng phó. Mùa mưa lũ cuối năm 2023, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 1.800 ha ao nuôi và hơn 5.000 lồng bè với khoảng 3.200 tấn thủy sản nuôi chưa thu hoạch kịp thời trước mưa lũ, dẫn đến thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Rút kinh nghiệm từ sự cố trước, bước vào mùa cao điểm mưa lũ năm nay, các phương án neo giữ lồng bè dọc bờ sông đã được chính quyền và người dân gấp rút triển khai. Nhiều lồng cá trắm cỏ thương phẩm đến kỳ thu hoạch với trọng lượng đạt từ 3 – 4kg/ con cũng được khuyến khích thu sớm trước khi bước vào mùa mưa bão. Ông Phan Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền cho biết, với vị trí đặc thù ven sông Bồ, địa phương đã phối hợp với các hộ nuôi chủ động các phương án bảo vệ lồng nuôi trong thời gian cao điểm mùa mưa bão. Mục tiêu cao nhất là không để xảy ra thiệt hại về người và của trong mùa mưa bão năm nay.
Nhằm ứng phó với tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh mới đây đã có công văn gửi đến các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản có phương án thu hoạch toàn bộ, hoặc thu tỉa một phần khi được giá để giảm thiểu thiệt hại khi bước vào thời gian cao điểm mưa lũ. Bên cạnh các biện pháp bảo vệ thủy sản, gia cố lồng bè, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo chính quyền và các đơn vị chức năng cần phổ biến kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh đối với các loài thủy sản trong điều kiện thời tiết bất thường, bảo đảm cho sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản trước, trong và sau mùa mưa bão.
Thành Nhân