Bà Lê Thị Thanh Nga ở thị trấn A Lưới là một trong những hộ cung cấp rau củ quả sạch uy tín ở huyện vùng cao A Lưới. Năm 2020 với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương bà Nga đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao trên diện tích đất hơn 1.000 mét vuông. Mô hình nhà kính được bà Nga thiết kế, xây dựng bài bản, xung quanh bao bọc bằng lưới chống côn trùng, bên trong có hệ thống thông gió, điện chiếu sáng, phun tưới tự động,…Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình này. “Trước đây, gia đình tôi chỉ làm mấy sào ruộng nên túng thiếu đủ đường, hai vợ chồng quyết định chuyển sang trồng rau. Bởi nhu cầu người dân ở đây khá cao, người trồng rau lại ít, rồi được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà kính, hệ thống tưới nước hiện đại nên đem lại thu nhập cho gia đình tôi mỗi năm lên đến hơn 100 triệu đồng”, bà Nga chia sẻ thêm.
Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp A Lưới đã có sự thay đổi vượt bậc, xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao. Nhận thức được tiềm năng của công nghệ trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, nông dân vùng cao này đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa nông nghiệp và tạo ra sự phát triển bền vững ở các địa phương trong huyện. Anh Đoàn Thanh Quang, xã Hương Phong, huyện A Lưới cho biết, từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, năm 2021 được sự hỗ của chính quyền địa phương giúp anh tiếp cận được vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện A Lưới, đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò hơn 250m vuông, anh đầu tư thêm máy móc phương tiện để tạo thức ăn cho bò qua đó đả đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ. “Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các phương tiện máy móc vào chăn nuôi đã giúp tôi dự trữ thức ăn có sẵn không còn chăn thả, từ đó vỗ béo bò để xuất chuồng sớm hơn”. Anh Đoàn Thanh Quang chia sẻ thêm.
Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi cá Tầm đem lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Hồng Kim, huyện A Lưới
Thời gian tới A Lưới tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức của người dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; triển khai tốt các nguồn lực của 3 chương trình mục tiêu Quốc gia. Tập trung thực hiện nhân rộng mô hình sản xuất, chăn nuôi chất lượng cao, khuyến cáo nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quản lý dịch hại tổng hợp, công nghệ sinh thái; sử dụng các loại phân bón, chế phẩm bảo vệ thực vật thế hệ mới thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới cho biết: “Theo đánh giá của huyện, trong thời gian qua, nền nông nghiệp đã dần từng bước thay đổi phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, qua đó đã khắc phục một phần tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng, năng suất và hiệu quả thấp; kết quả thu hút, kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp có sự tăng lên về số lượng, quy mô, thay đổi về chất lượng. Quy hoạch nông nghiệp, đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật được chú trọng; công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cũng được quan tâm; doanh nghiệp, người dân đã chú trọng áp dụng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; một số sản phẩm đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; kinh tế tập thể, trang trại, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp từng bước hoạt động hiệu quả”.
Có thể thấy việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở A Lưới đang tạo bước đột phá, góp phần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất an toàn, hữu cơ, VietGAP. Các vùng chuyên canh chăn nuôi và cây ăn quả có giá trị kinh tế, phù hợp đã được hình thành, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu và có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện miền núi này.
Quang Minh