116
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 10/05/2024 14:53
A Lưới tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả cho công tác giảm nghèo
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian qua, huyện A Lưới đã huy động cả hệ thống chính trị các cấp luôn quan tâm, đầu tư và thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ, tỷ lệ hộ nghèo giảm.
Đoàn công tác Bộ LĐTB&XH khảo sát việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG tại huyện A Lưới

Qua 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Toàn huyện đã giảm 3.537 hộ nghèo, tỷ lệ 25,68%; số hộ nghèo còn lại 3.485 hộ, chiếm tỷ lệ 24,3%. Đủ điều kiện để đưa huyện A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo Quốc gia.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết đạt được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Quá trình triển khai thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tinh ủy, UBND tỉnh và các Sở, ban, ngành; sự phối hợp kịp thời của các cơ quan, đơn vị chuyên môn và địa phương liên quan. Các nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã tập trung cho công tác giảm nghèo của huyện một cách hiệu quả.

Các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách các địa bàn, lĩnh vực tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn tại cơ sở; ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân và vai trò của già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong công tác tuyên tuyền vận động giảm nghèo bền vững tại địa phương thông qua phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” được nâng lên.

Hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo tại huyện A Lưới

Với quan điểm: “Xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ nghèo”. Trên cơ sở Kế hoạch phân bổ chỉ tiêu của BCĐ giảm nghèo bền vững tỉnh; BCĐ giảm nghèo bền vững huyện về việc giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo cho các xã, thị trấn giai đoạn 2022 – 2025. Đồng thời, thực hiện tốt việc huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch, tập trung theo thứ tự ưu tiên, tránh tình trạng đầu tư dàn trải; đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo.

Về chính sách hỗ trợ nhà ở, trong năm 2022 - 2023 số nhà được hỗ trợ từ 2 chương trình MTQG và các nguồn xã hội hóa là 2.607 nhà (xây mới 2.259 hộ; sửa chữa 348 hộ) với tổng kinh phí hỗ trợ: 145.980 triệu đồng (ngân sách trung ương: 89.320 triệu đồng; ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hoá khác: 46.660 triệu đồng, nguồn hỗ trợ của Vietcombank: 10.000 đồng).

Trong 02 năm (2022 – 2023) đã đào tạo nghề cho lao động hộ nghèo, cận nghèo là 1.625 lao động; giới thiệu, giải quyết việc làm mới cho 2.576 lao động; đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã có 78 người xuất cảnh.

Theo lãnh đạo huyện A Lưới, thời gian đến tiếp tục xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả hệ thống chính trị từ nay đến năm 2025. Quá trình triển khai cần quán triệt và thực hiện tốt phương châm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: “Ai sợ khó, sợ không làm được thì đứng ra một bên để giao người khác; ai không làm được thì thay người”. Phấn đấu năm 2024 giảm 1.428 hộ nghèo, còn lại 2.057 hộ tương ứng 14,3%; xóa 1.333 nhà tạm và phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 12,01%.

Đoàn công tác Bộ LĐTB&XH khảo sát việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG tại huyện A Lưới

Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp có hiệu quả các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi). Lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện. Tích cực triển khai có hiệu quả việc xoá nhà tạm và tạo sinh kế cho người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng ngoài vận động ngoại lực, thực hiện các chính sách liên quan và huy động nội lực, địa phương cần chú trọng các biện pháp tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân. Để người nghèo hiểu được họ vừa là chủ thể, vừa là đối tượng được hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo, từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Các đơn vị liên quan cần rà soát lại từng hộ nghèo; tập trung đẩy nhanh tiến độ, giải quyết giải ngân vốn, đảm bảo tiến độ giải ngân cho các hạn mục xây dựng; tăng thu nhập cho người dân, hỗ trợ tạo sinh kế; đổi mới phương thức, cách thức thực hiện, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất cho người dân…Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Mới đây, Phó Bí Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện A Lưới về công tác giảm nghèo. Phó Bí Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ lưu ý A Lưới cần xác định lại giảm nghèo là nhiệm vụ thường xuyên liên tục của cấp ủy, chính quyền địa phương. Với huyện tỷ lệ hộ nghèo càng cao như A Lưới việc tiếp tục hâm nóng tinh thần, quyết tâm giảm nghèo là việc làm cần thiết.

Phó Bí Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đề nghị các cơ quan liên quan cần có tham mưu, quản lý chặt chẽ hơn quá trình giảm nghèo để giảm nghèo là thực chất, căn cơ. “UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát lại các nguyên nhân khách quan, để đánh giá được nguyên nhân giảm nghèo bền vững, định hướng phương hướng mới; tập trung mọi nỗ lực giải ngân các nguồn vốn, đảm bảo hiệu quả, lâu dài; rà soát kỹ lại quá trình phát sinh hộ nhà tạm; xem sinh kế là vấn đề quan trọng, là chương trình lớn của địa phương, tăng thu nhập từ nguồn lực tại chỗ” Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Văn Bốn