289
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 25/08/2022 21:27
"Đổi ngày công lao động" cách làm hay của phụ nữ vùng cao
Trồng một nương ngô, nếu làm một mình sẽ phải mất nhiều ngày, nhưng nếu mười người cùng làm thì chỉ một buổi là xong. Hình thức đổi công không chỉ mang lại năng suất trong công việc mà còn tăng cường sự gần gũi và đoàn kết giữa các chị em nơi thôn xóm.

Đến xã Hồng Thượng, H.A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, hỏi chuyện phụ nữ làm ăn, tôi được giới thiệu mô hình “Phụ nữ giúp nhau ngày công” đang được thực hiện tại các chi hội phụ nữ. Hầu hết phụ nữ làm nông trong độ tuổi từ 30 - 50 tuổi, đều tham gia mô hình này. Chị Hồ Thị Lợi - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồng Thượng - dẫn chứng: “Nếu một mình trồng một nương ngô hay phát cỏ cho một vạt rừng phải mất 5 - 7 ngày mới xong, nhưng nếu 5 - 7 chị tập trung lại, vừa làm vừa chuyện trò, thì chỉ loáng cái là xong. Lợi ích rõ rệt nên ai cũng thích tham gia. Cứ nay làm cho chị này, mai làm cho chị khác”. 

Dẫn tôi đến khu vực chị em đang làm rẫy nằm khuất sâu sau rặng núi A Tia, xã Hồng Thượng, chị Hồ Thị Pơn - Tổ trưởng phụ nữ 4 - kể: Khi mới thành lập, tại các nhóm, chị em đều giúp nhau ngày công miễn phí. Nhưng sau đó, để có kinh phí xây dựng quỹ, các thành viên thống nhất thu mỗi ngày công 50.000 đồng.

Với những thành viên có hoàn cảnh khó khăn thì tổ sẽ giúp không. Ngoài ra tổ còn nhận làm công cho những ai trong thôn có nhu cầu. Số tiền thu được dùng để nộp hội phí, góp quỹ “Mái ấm tình thương”, học bổng Nguyễn Thị Định, chi các hoạt động, cho chị em vay xoay vòng phát triển kinh tế. “Không phải làm nương, làm rẫy một mình, không phải bỏ tiền túi nộp hội phí, lại được vay vốn khi cần thiết nên ai cũng thích tham gia vào “Tổ phụ nữ giúp nhau ngày công” - giọng chị Pơn. 

Ở xã Thượng Long, H.Nam Đông, chị Ka Nô - Tổ trưởng phụ nữ thôn 8 - cho hay, tổ tập hợp được 23/89 hội viên phụ nữ vào “Tổ phụ nữ giúp nhau ngày công” để giúp nhau trong công việc đồng áng và đứng ra nhận công việc của các gia đình. Chị Ka Nô chìa tôi xem cuốn sổ chấm công, ghi chép rõ ràng: 29/7 - gặt lúa cho nhà ông Bàng (5 công), ngày 5/8 - thu hoạch keo cho nhà bà Tám (7 công)… Chị bảo, tiền công lao động được thu rất rẻ so với giá thị trường, cao nhất chỉ khoảng 50.000 đồng/ngày công. Người lao động chỉ nhận 5.000 đồng gọi là để ăn sáng, còn lại góp vô quỹ Hội. Ba năm qua, tổng số tiền quỹ Hội lên tới hàng chục triệu đồng. Một phần để cho chị em trong tổ vay (với mức 5 triệu đồng/suất) mua con giống, phát triển chăn nuôi với lãi suất tương đương tiền gửi ngân hàng. Đã có mười người được vay, và rồi ai cũng sẽ được vay. Ngoài ra, quỹ còn dùng để giúp đỡ cho những trường hợp ốm đau và gặp khó khăn với mức 200.000 đồng/người, tổ chức cho chị em tham quan đây đó.

Theo bà Lê Thị Quỳnh Tường - Chủ tịch Hội LHPN H.A Lưới - để chị em tham gia vào các nhóm “Phụ nữ giúp nhau ngày công”, cán bộ phụ nữ từ huyện đến cơ sở đều thường xuyên về thôn bản tuyên truyền, vận động. “Nói tiếng Kinh chị em chưa hiểu thì chúng tôi nói tiếng của đồng bào”, bà Quỳnh Tường chia sẻ thêm.

Bà Hồ Thị Thanh Tuyền - Phó Chủ tịch Hội LHPN H.Nam Đông - cho biết: “Đổi ngày công lao động” trong tập tục xưa của người Cơ Tu ở Thượng Long đã có và được gọi là “rơ ving”. Đây là cách để đồng bào hoàn thành công việc mùa màng một cách hiệu quả, tiết kiệm thời gian, giúp nhau tồn tại và phát triển. Theo thời gian, tập tục này bị mai một, cho nên mô hình “Đổi ngày công lao động” ra đời còn là cách giữ gìn và bảo tồn một tập tục hay, một nét văn hóa đẹp của đồng bào. 

Hồ Minh