Báo cáo tại buổi kiểm tra nêu rõ, sau khi có chỉ thị của Ban Chỉ đạo Đề án Quân khu, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền nội dung Đề án đến mọi cán bộ, chiến sĩ; kịp thời ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện và thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc Đề án; ban hành hệ thống văn bản triển khai thực hiện Đề án phù hợp với tình hình đơn vị và sát với từng địa bàn. Phối hợp mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng tiếng dân tộc; bỗi dưỡng kỹ năng, phương pháp công tác dân vận. Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức kết nghĩa với huyện A Lưới và chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố, Trung đoàn 6 kết nghĩa với 1 xã vùng khó khăn của các địa phương; đến nay Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị đã xây dựng được 15 mô hình “Dân vận khéo”, triển khai công tác dân vận với nhiều hình thức phong phú, đã dạng, góp phần giúp địa phương, hộ nghèo từng bước phát triển kinh tế, xã hội, vươn lên thoát nghèo… củng cố thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng bền vững, thắt chặt thêm mối đoàn kết quân dân.
Đại tá Thái Đức Hạnh, Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu
Qua kiểm tra, đoàn công tác đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Đề án của Bộ CHQS tỉnh; đồng thời đề nghị Bộ CHQS tỉnh tiếp tục phối hợp tham mưu triển khai, thực hiện các nội dung, phần việc theo chương trình Đề án đạt chất lượng, đạt kết quả cao. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung Đề án đến mọi cấp, mọi ngành, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân; phối hợp với các lực lượng, ban, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng, triển khai hiệu quả hơn nữa các mô hình “Dân vận khéo” ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa; tham gia hỗ trợ giúp đỡ Nhân dân bằng những phần việc, cách làm hiệu quả thiết thực hơn nữa.
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Đề án đã đến thăm, khảo sát tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn La Ngà, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, đây là nhà sinh hoạt cộng đồng vừa được Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp trong đợt hành quân dã ngoại làm công tác Dân vận trên địa bàn.
Lê Sáu