19
+ aa -

Quốc phòng - An ninh

Cập nhật lúc : 26/11/2024 11:27
Phong Điền: Tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh
Xác định, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT) cho lứa tuổi học sinh là nội dung quan trọng, cấp bách trong việc thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung này đã được Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (CSGT-TT), Công an huyện Phong Điền triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục trong thời gian qua với sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ với các lực lượng liên quan, qua đó góp phần quan trọng vào việc hạn chế tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh.
Tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho các em học sinh khối THCS.

Để đảm bảo trật tự ATGT nói chung và trong lứa tuổi thanh, thiếu niên nói riêng, Công an huyện Phong Điền đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương triển khai, thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, tỉnh về công tác bảo đảm trật tự ATGT, trong đó trọng tâm là thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Thiếu tá Dương Văn, Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an huyện Phong Điền cho biết: “Nhằm góp phần xây dựng, nâng cao ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông, Đội CSGT-TT, Công an huyện Phong Điền đã tăng cường phối hợp với các trường học đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Tại các buổi tuyên truyền, cán bộ, giáo viên và học sinh được thông tin về tình hình trật tự ATGT; những hành vi vi phạm là nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ tai nạn giao thông; hậu quả, tác hại do vi phạm về trật tự ATGT và những hệ lụy; hướng dẫn cách xử lý các tình huống giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn... Đồng thời, tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh các nhà trường ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của Luật giao thông đường bộ. Ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, lực lượng CSGT nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong quản lý chặt chẽ việc đi lại của con em mình. Khuyến cáo các bậc phụ huynh tuyệt đối không giao xe cho con em mình khi không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cùng với đó, lực lượng CSGT đã phối hợp, hướng dẫn các nhà trường xây dựng, duy trì các mô hình tự quản đảm bảo trật tự ATGT tại khu vực cổng trường. Nhiều hoạt động ngoại khóa, mô hình về giao thông đã được triển khai tại các trường học, qua đó, giúp các em học sinh hiểu được ATGT không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; từ đó, chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông an toàn, lành mạnh”.

CSGT-TT, Công an huyện Phong Điền tuần tra, kiểm soát trường hợp học sinh khi tham gia giao thông.

Ngay từ khi bước vào năm học mới, Đội CSGT-TT, Công an huyện Phong Điền đã có buổi tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THCS Phong An. Ngay sau lễ chào cờ đầu tuần, các cán bộ, giáo viên và các em học sinh nhà trường đã được cán bộ Đội CSGT-TT tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng tham gia giao thông an toàn như đi bộ, sang đường; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp, xe đạp điện; các quy tắc tham gia giao thông an toàn; các tình huống học sinh thường vi phạm khi tham gia giao thông; những hậu quả khi xảy ra tai nạn và va chạm giao thông...

Em Nguyễn Trần Thanh Ngân, học sinh lớp 9/4, Trường THCS Phong An chia sẻ: “Sau khi được các chú CSGT tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, cháu đã hiểu thêm rất nhiều điều, nhất là cách tham gia giao thông an toàn, đúng cách, về độ tuổi của mình được tham gia giao thông bằng phương tiện gì và nhận thức những điều mình nên làm, nên thực hiện để đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như những người xung quanh. Đặc biệt là cháu đã rút ra bài học, khi đi ra đường lớn thì phải phải chú ý quan sát, không được chen lấn, đảm bảo an toàn mới được đi và không được đi ngược chiều, đi ẩu…”.

Theo số liệu thống kê của Đội CSGT-TT, Công an huyện Phong Điền, từ đầu năm học 2024-2025 đến nay, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp 21 lượt với 12.122 học sinh và 599 giáo viên các trường học trên địa bàn. Cụ thể, 14 lượt Trường THPT, THCS, TH, Trung tâm GDNN&GDTX trên địa bàn với 8.242 học sinh và 344 giáo viên nhà trường tham gia. Phối hợp với Công an các xã, thị trấn tiến hành tuyên truyền Luật giao thông đường bộ với 7 lượt cho 3.880 học sinh, 255 giáo viên các trường học. Làm việc với 4 trường THPT, ký cam kết về việc không có học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô đến trường và không vi phạm Luật giao thông đường bộ.

Lập biên bản xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, lực lượng CSGT-TT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, triển khai đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh. Các tổ công tác đã lập chốt và tuần tra lưu động tại các tuyến đường, địa bàn trọng điểm, nhất là khu vực cổng trường học để vừa tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo học sinh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, vừa tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, tập trung vào các lỗi vi phạm chủ yếu của học sinh khi tham gia giao thông như: Chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện; điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, không có gương chiếu hậu; tự ý thay đổi kết cấu phương tiện; không có giấy phép lái xe... Đối với những trường hợp vi phạm, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện, lực lượng CSGT còn gửi thông báo đến nhà trường để có biện pháp phối hợp quản lý, giáo dục.

Sau khi được CSGT tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, đa phần các em học sinh đã chấp hành tốt quy định về điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, có thái độ hợp tác với lực lượng làm nhiệm vụ trong việc xử lý vi phạm, song vẫn còn một số trường hợp vi phạm không hợp tác, chờ đợi sự trợ giúp từ người thân thông qua việc gọi điện thoại hoặc không ký biên bản… Theo phân tích của cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó chủ yếu là ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ của học sinh chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh giao xe cho con khi chưa đủ tuổi được đào tạo và cấp giấy phép lái xe, chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm khi điều khiển phương tiện, dẫn đến các hành vi vi phạm giao thông như lạng lách, đi sai làn đường, phần đường, dàn hàng ba, hàng bốn, sử dụng điện thoại khi lái xe, không quan sát khi sang đường… một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật ATGT trong lứa tuổi học sinh; việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa chặt chẽ. 

“Trong đợt ra quân thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh từ ngày 01/10 đến 31/10/2024, Đội CSGT-TT, Công an huyện Phong Điền đã phát hiện, xử lý 30 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ liên quan đến lứa tuổi học sinh, xử phạt số tiền 5.600.000 đồng; tạm giữ 15 phương tiện. Việc tuần tra, kiểm soát, lập biên bản xử lý chỉ là phần ngọn, còn cái nồng cốt, cái cơ bản nhất là làm thế nào để chuyển biến ý thức, nhận thức của các em học sinh. Đặc biệt là làm thế nào để phát huy được trách nhiệm của nhà trường và của phụ huynh học sinh, cũng như là toàn xã hội, các hộ dân ở quanh khu vực trường không nhận gửi các phường tiện vi phạm luật trật tự giao thông đường bộ”, Thiếu tá Văn cho biết thêm​.

Để tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh, các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương và người đứng đầu các cơ sở giáo dục cần đưa việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh là giải pháp quan trọng, then chốt trong thực hiện xây dựng văn hóa giao thông. Thực hiện quyết liệt, kiên trì, thường xuyên liên tục, đồng bộ phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa bàn, mỗi cấp học, tạo sự lan tỏa, chuyển biến rõ nét.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền, cho biết: “Phòng tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về đảm bảo trật tự ATGT cho học sinh; lồng ghép nội dung giáo dục ATGT trong các môn học và các hoạt động ngoại khóa của nhà trường; quản lý, giám sát ngay từ cổng trường đối với các vi phạm của học sinh. Gắn trách nhiệm, xem xét xử lý người đứng đầu các đơn vị trường học nếu để tình hình TTATGT liên quan đến học sinh xảy ra phức tạp. Đưa nội dung bảo đảm trật tự ATGT đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các các cơ sở giáo dục, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ, năm học”.

Sau khi được tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, đa phần các em học sinh đã chấp hành tốt quy định về điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Qua triển khai tháng cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh, tình hình trật tự ATGT ở huyện Phong Điền đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Các hành vi vi phạm như: điều khiển xe không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông, giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện điều khiển… đã giảm đáng kể. Nhưng vấn đề là làm sao để việc tuân thủ pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh cần được duy trì một cách thường xuyên, trở thành nền nếp và hướng tới trở thành văn hóa, chứ không chỉ thông qua những đợt cao điểm. 

Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Phó trưởng Ban ATGT huyện cho biết: “Để phòng ngừa, kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh trên địa bàn, Ban ATGT huyện yêu cầu Công an huyện và các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giao chỉ tiêu 100% các trường học trên địa bàn từ cấp tiểu học trở lên có tổ chức tuyên truyền Luật giao thông đường bộ; hằng tuần, thông báo học sinh vi phạm về nhà trường, Phòng GD&ĐT; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự ATGT, tập trung vào lứa tuổi học sinh THCS và THPT; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho lứa tuổi học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; chủ phương tiện, lái xe và phụ huynh chở lứa tuổi học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ. Phòng GD&ĐT và các trường học trên địa bàn thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 31 do Hiệu trưởng các trường là Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền, ký cam kết đối với học sinh và phụ huynh; Phối hợp với lực lượng CSGT kiểm tra bãi xe nhà trường. Hằng ngày kiểm tra, phát hiện trường hợp học sinh vi phạm tại khu vực cổng trường; Phối hợp với lực lượng chức năng tại cơ sở hướng dẫn, phân luồng giao thông, sắp xếp phương tiện đưa đón con em của phụ huynh. Phát hiện điểm trông giữ xe trái phép, điểm trông giữ xe học sinh ngoài cổng trường, hàng quán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè,… UBND các xã, thị trấn khảo sát, xác định khu vực cổng các trường học chưa làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo; làm rõ nguyên nhân chưa triển khai làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo khu vực cổng trường. Rà soát, kiểm tra, xử lý điểm trông, giữ xe tự phát, nhận trông giữ xe cho học sinh khu vực cổng trường. Đối với các trường học gần bệnh viện, trung tâm thương mại… có điểm trông giữ xe, phải tiến hành làm việc với Ban quản lý yêu cầu không nhận trông giữ xe cho lứa tuổi học sinh”.

Tiến Dũng