Lấy người dân là trung tâm
Thời gian qua, bám sát các nội dung hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH - Bộ Công an, Công an huyện Phong Điền đã tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động và lấy ý kiến trong toàn thể nhân dân trên địa bàn với tinh thần thống nhất, đồng lòng, quyết tâm xây dựng và duy trì mô hình điểm “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”. Với mục tiêu làm tốt công tác phòng ngừa ngay từ mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, đồng thời là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân, hộ gia đình trong việc bố trí nguồn lực, kinh phí đảm bảo cho công tác PCCC tại chỗ với phương châm “phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ trước khi sự cố xảy ra”. Đặc biệt, mọi sự cố cháy nổ phải được phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ ban đầu, hạn chế tối đa các thiệt hại về người và tài sản, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.
Trung tá Đỗ Văn Phú, Phó trưởng Công an huyện Phong Điền, cho biết: “Mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và “điểm chữa cháy công cộng” do Bộ Công an phát động nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xây dựng phong trào “Toàn dân PCCC”, củng cố lực lượng PCCC tại chỗ ở địa bàn dân cư, huy động tối đa lực lượng cứu chữa từ thời điểm vàng 5 phút đầu tiên xảy ra cháy, đảm bảo làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý, cứu chữa kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là khu đông dân cư, nơi tập trung nhiều hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh”.
Để mô hình hoạt động hiệu quả, Công an huyện Phong Điền đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn chọn lựa những người dân nhiệt tình, hăng hái trong phong trào, có kiến thức về an toàn PCCC để tham gia. Tổ liên gia an toàn PCCC được thành lập bởi 5-15 hộ dân liền kề nhau (bao gồm hộ sinh sống và hộ sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh). Mỗi hộ gia đình được trang bị các bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ, lắp đặt chuông báo cháy, nút ấn báo cháy... Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong các hộ gia đình đều được hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng điện thoại “báo cháy 114” để thông báo khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố; đồng thời được hướng dẫn chi tiết cách sử dụng các dụng cụ PCCC, thường xuyên nắm bắt và phản ánh tình hình liên quan đến công tác PCCC&CNCH với UBND, Công an địa phương.
“Đến nay, trên địa bàn huyện Phong Điền đã thành lập và ra mắt 12 Tổ liên gia an toàn PCCC và 27 “điểm chữa cháy công cộng”. Công an huyện tiếp tục chỉ đạo Công an các xã, thị trấn tập đang trung rà soát, đánh giá hoạt động và xây dựng các mô hình Tổ liên gia tự phòng, tự quản phù hợp, tiếp tục nhân rộng, lan toả mô hình trên địa bàn, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của lực lượng chữa cháy tại chỗ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC ngày càng lớn mạnh”, Trung tá Phú cho biết thêm.
Ở một số địa phương trên địa bàn huyện Phong Điền cũng có nhiều cách làm, kinh nghiệm hay trong vận động các nguồn lực, kinh phí để xây dựng mô hình. Trong đó, nhờ làm tốt công tác dân vận nên các hộ dân trên địa bàn đã tự nguyện đóng góp 100% kinh phí để lắp đặt thiết bị, phương tiện báo cháy, chữa cháy... Công an các xã, thị trấn cũng tích cực vận động nguồn lực xã hội hóa để nhân rộng mô hình, lấy người dân là trung tâm trong công tác PCCC.
Mô hình cần được lan tỏa, nhân rộng
Sau khi được thành lập và tổ chức ra mắt mô hình, các thành viên trong Tổ liên gia được cán bộ Công an huyện và Công an địa phương hướng dẫn quy trình xử lý cháy tại chỗ, cách sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu, đặc biệt là bình chữa cháy xách tay, chuông, kẻng báo cháy và đặc biệt là kỹ năng thoát nạn trong đám cháy.
Chia sẻ về mô hình, ông Nguyễn Trung ở xã Phong Hiền, cho biết: “Tổ liên gia an toàn PCCC là mô hình mới nhằm huy động sức mạnh của toàn dân, chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ, sự cố bất ngờ xảy ra. Mô hình xây dựng lực lượng tình nguyện tại chỗ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác PCCC&CNCH; đồng thời góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn”.
“Khi được vận động vào Tổ liên gia, tôi rất sẵn sàng. Từ những kiến thức về phòng cháy, tôi và mọi người trong tổ thường xuyên hướng dẫn người thân kỹ năng cần thiết về PCCC. Mô hình hiệu quả, thiết thực đối với những khu vực có diện tích nhỏ, đông dân cư và có hoạt động buôn bán sầm uất như Chợ An Lỗ, Chợ Phò Trạch. Bên cạnh việc nhân rộng mô hình, chúng tôi mong muốn thường xuyên được tập huấn, diễn tập về công tác PCCC để nâng cao kỹ năng PCCC”, ông Phan Văn Thành ở xã Phong An, chia sẻ.
Việc xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” nhằm giúp người dân chủ động ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn có thể xảy ra, nâng cao ý thức về PCCC&CNCH, giúp người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị các phương án thoát nạn, tự trang bị phương tiện chữa cháy tại gia đình; hình thành thói quen tự chủ động hơn trong công tác phòng cháy và có khả năng xử lý được các tình huống cháy, nổ khi mới phát sinh. Đồng thời, tăng cường khả năng thường trực, sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống chữa cháy và CNCH; khả năng huy động phương tiện tại chỗ.
Đánh giá về tầm quan trọng của mô hình, Trung tá Đỗ Văn Phú, khẳng định: “Mô hình được thành lập và nhân rộng sẽ thúc đẩy, phát huy tối đa hiệu quả của công tác PCCC theo phương châm “4 tại chỗ” ở trong dân, đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an: “Lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, hậu cần ở trong dân và chỉ huy ở trong dân”. Qua đó, nhằm ngăn chặn nguồn cháy, giảm thiểu các sự cố cháy nổ tại khu dân cư, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản”.
Thực tế cho thấy, cứ có cháy là có thiệt hại về tài sản, nguy hiểm hơn là thiệt hại về con người. Do đó, việc trang bị cho người dân các kiến thức, kỹ năng phòng ngừa nguy cơ cháy nổ từ đời sống sinh hoạt hằng ngày, các hoạt động sản xuất, kinh doanh là rất cần thiết. Vì vậy, việc triển khai, nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả công tác PCCC ngay từ cơ sở, ngay từ khu dân cư.
Tiến Dũng