16
+ aa -

Quốc phòng - An ninh

Cập nhật lúc : 18/03/2025 17:51
Ký ức ngày giải phóng Huế qua những hiện vật lịch sử
Bảo tàng Lịch sử thành phố Huế hiện đang lưu giữ nhiều hiện vật gợi nhắc về những ngày tháng 3 lịch sử của quê hương sau 50 năm giải phóng. Mỗi hiện vật là một câu chuyện kể, nhưng tất cả đều đọng lại ý nghĩa, giá trị của sự độc lập, tự do và hạnh phúc. Qua những hiện vật ấy, mong thế hệ trẻ hiểu rõ và trân quý hơn giá trị của một thời gian khó nhưng rất đỗi tự hào mà thế hệ cha ông đã đánh đổi bằng xương máu để giành độc lập, tự do cho nhân dân.
Súng H12 đã lập nhiều chiến công, đánh 25 trận, diệt 60 tên địch ngày 08/3/1975

Súng H12 của Đại đội 14, Trung đoàn 4, Quân khu Trị Thiên - Huế… là một trong những hiện vật lịch sử tiêu biểu gợi nhắc về những ngày tháng 3 đấu tranh giải phóng Huế đang được lưu giữ tại bảo tàng lịch sử thành phố Huế. H12 đã lập nhiều chiến công, đánh 25 trận, diệt 60 tên địch ngày 08/3/1975. Chính các họng súng H12 này đã đánh vào căn cứ của địch tại Phổ Lại của xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền mở màn cho chiến dịch năm 1975 giải phóng Thừa Thiên Huế ( nay là thành phố Huế)… Với những cựu chiến binh khi chứng kiến hiện vật lịch sử này không khỏi xúc động và tự hào về những ngày tháng 3 lịch sử hào hùng của quân và dân ta.

Bà Trần Thị Hiền, Cựu chiến binh phường Trường An, Quận Thuận Hóa chia sẻ: “Tôi là một cựu chiến binh, người con của quê hương xứ Huế, khi nhìn lại những hiện vật chiến tranh như súng H12 này thì tôi thấy được cái truyền thống anh hùng bất khuất của các đồng chí đã hy sinh quên mình để bảo vệ tổ quốc và sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước”.

Các cựu chiến binh thăm quan các hiện vật lịch sử

Bà Nguyễn Thị Lài, Cựu chiến binh phường Trường An, Quận Thuận Hóa tâm sự: “Khi đi xem lại những hiện vật này thì tôi cảm thấy rất tự hào trong lòng mình và cũng khắc sâu, căn dặn cho con cháu mình để trở thành những người tốt và biết những bậc tiền bối của mình đã hy sinh, anh dũng kiên cường để giành độc lập”.

Lịch sử những ngày tháng giải phóng Huế được truyền lại, được thế hệ trẻ tiếp nhận qua những câu chuyện kể về cuộc chiến đấu và những sinh hoạt đời thường của những người lính năm xưa. Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật thực tế tại bảo tàng lịch sử thành phố Huế đã biến những con số khô khan thành những bài học sinh động, chân thực dễ tiếp thu cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào cho các em.

Em Hoàng Nguyên, Sinh viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế chia sẻ: “Trước đây thì em chỉ biết đến cái sự kiện các hiện vật qua sách vở từ môn lịch sử thì sau khi em đi tham quan ở đây em cảm thấy rất là thú vị. Ở đây gợi cho em những ký ức hào hùng của cha ông ta khiến em cảm thấy mình rất là tự hào vì mình đang được sống ở trong một thế giới hòa bình mà cha ông ta phải đánh đổi”.

Giáo dục tình yêu cách mạng cho thế hệ trẻ qua các hiện vật lịch sử

Em Phạm Công Quyền, Sinh viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tâm sự: “Bản thân em là một sinh viên thì khi mà đến với Huế thì em lại cảm thấy tự hào hơn khi mà quân và dân Huế có thể xuống đường để kháng chiến và giành lại độc lập cho đất nước. Em mong muốn những hiện vật này trong thời gian đến có thể truyền bá và quảng bá cho các sinh viên nhiều hơn hiểu về Huế cũng như là hiểu hơn về lịch sử của đất nước ta”.

Hiện nay, tại Bảo tàng lịch sử thành phố Huế đang lưu giữ hàng trăm hiện vật, hình ảnh gợi nhớ về những ngày tháng giải phóng Huế. Để các hiện vật đó phát huy giá trị, Bảo tàng thành phố thường xuyên tổ chức trưng bày nhân ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của thành phố. Ngoài ra, Bảo tàng còn thường xuyên phối hợp với các địa phương, nhà trường tổ chức các đợt trưng bày lưu động để góp phần giáo dục truyền thống hào hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Nhiều hiện vật lịch sử giải phóng Huế đang được lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng lịch sử thành phố Huế

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng lịch sử thành phố Huế cho biết thêm: “Những hiện vật tại bảo tàng lịch sử thành phố Huế hiện nay thì được chúng tôi thực hiện công tác bảo quản khá tốt và đang được lưu giữ tại các kho theo nguyên tắc khoa học bảo tàng. Vào các dịp ngày lễ lớn thì thông qua các buổi tuyên truyền tại địa phương tại các trường học thì chúng tôi sử dụng những hiện vật phù hợp có chất liệu kích thước đánh giá phù hợp gắn liền với ý nghĩa lịch sử ngày 26 tháng 3 để đưa về trưng bày tại các huyện thị xã và đặc biệt là tại các trường học để nhằm giáo dục tuyên truyền thêm cho các em học sinh thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông”.

50 năm đã qua nhưng những chứng tích của ngày giải phóng Huế năm 1975 vẫn còn vang mãi. Trong những ngày lịch sử này, các tài liệu, hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng thành phố Huế góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc của các thế hệ người Huế, đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Hiếu