Lễ khai mạc lễ hội “Hương xưa làng cổ” năm 2018 diễn ra với những tiết mục văn hóa đặc sắc đến từ Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đăk Lăk. Với những ca khúc dân ca truyền thống Tây Nguyên sôi động; điệu múa của các chàng trai, cô gái Êđê, M’nông ấm áp cùng hồn cồng chiêng trong các lễ hội mừng mùa; âm điệu trầm bổng của dàn hòa tấu nhạc cụ dân tộc, tiếng Đing buốt; lời kể khan, tiếng Tăc tar đậm chất nắng gió cao nguyên… đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho du khách thập phương và người dân địa phương. Lễ hội “Hương xưa làng cổ” được diễn ra trong 03 ngày từ ngày 29/4 đến ngày 01/5, trong khuôn khổ lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian diễn ra như Lễ tế Kỳ Phước, Lễ hội Cờ chòi, đua ghe, bịp mắt đập om, bịt mắt bắt vịt, trang trí mâm ngũ quả, ngõ nhà đẹp, nghệ nhân đua tài, bịp mắt nấu cơm nêu, bịt mắt đập om, bắt vịt... Bên cạnh đó, du khách được tham quan làng nghề và xem quảng diễn nghề truyền thống gốm Phước Tích, Điêu khắc mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, đồng thời chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương như Mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, rèn Hiền Lương, rượu Phong Chương, đệm bàng Phò Trạch, gốm Phước Tích, lưới Vân Trình, tương măng Phong Mỹ, xem triển lãm ảnh với chủ đề “Sáng tỏa một miền quê” giới thiệu về mảnh đất và con người Phong Điền…
Lễ hội “Hương xưa làng cổ” là dịp tái hiện không gian văn hóa của ngôi làng cổ Phước Tích với các hoạt động mang tính cộng đồng đặc sắc, đồng thời, đây cũng là cơ hội để tuyên truyền, quãng bá hình ảnh về mãnh đất và con người nơi đây đến với du khách thập phương, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của một miền quê đậm đà bản sắc dân tộc trong dịp Festival Huế năm nay.
Trần Minh