* Chương trình nghệ thuật Khai mạc, 20h00 ngày 29/4/2016 tại Ngọ Môn - Kỳ Đài:
Chương trình nghệ thuật Khai mạc là sự tổng hòa, quy tụ những giá trị truyền thống và nghệ thuật đương đại mang hơi thở cuộc sống của Huế, nhiều vùng văn hóa đặc trưng của Việt Nam và các quốc gia khắp năm châu lục. Các tiết mục tham gia biểu diễn được chuẩn bị, dàn dựng công phu trên sân khấu độc đáo, mới lạ, hứa hẹn sẽ là bữa tiệc nghệ thuật đặc sắc, đậm chất riêng.
Ngay sau khi kết thúc chương trình nghệ thuật Khai mạc sẽ diễn ra chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật tầm cao vô cùng độc đáo, ấn tượng để gửi đến công chúng và khán giả.
* Đêm Hoàng Cung, ngày 01/5 và 03/5/2016 tại Đại Nội (không có dạ tiệc bắt đầu lúc 18h00; có dạ tiệc bắt đầu lúc 19h30 (sân điện Cần Chánh - Đại Nội)):
Là chương trình luôn để lại ấn tượng đối với du khách trong những kỳ Festival Huế trước, Đêm Hoàng Cung năm nay tiếp tục được tổ chức nhằm tái hiện vẻ đẹp lung linh của Đại Nội về đêm, giới thiệu nghệ thuật múa hát cung đình, tổ chức các trò chơi dân gian, cung đình, kết hợp hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và nghệ thuật trình chiếu hiện đại, mới lạ, hấp dẫn.
Tâm điểm của Đêm Hoàng Cung là “Dạ yến tiệc cung đình” diễn ra tại sân điện Cần Chánh, được kết hợp độc đáo giữa ẩm thực cung đình Huế và các chương trình ca múa nhạc tiêu biểu nhất của cung đình xưa. Người tham dự sẽ có những trải nghiệm và được giới thiệu chi tiết các món ẩm thực của hoàng cung, đồng thời, thưởng thức các tinh hoa trong nghệ thuật diễn xướng của cung đình Huế.
Ngoài “Dạ yến tiệc cung đình”, nhiều chương trình được tổ chức trong Đêm Hoàng Cung: “Âm sắc Việt” diễn ra tại cung Diên Thọ, sự sâu lắng và bay bổng của âm nhạc truyền thống được giới thiệu trong không gian ngào ngạt hương trầm, rất mộc mạc và kiêu sa. “Đám cưới công chúa” tại Cung Trường Sanh đưa người tham dự vào một đám cưới cung đình với đầy đủ các lễ nghi truyền thống được khắc họa khéo léo và tinh tế. Chương trình “Ca múa nhạc truyền thống” được tổ chức ở sân điện Thái Hòa, kết hợp mỹ thuật sắp đặt, triển lãm trưng bày, hoa đăng, đèn lồng, mở ra một không gian huyền ảo, tăng nét lung linh cho Đại Nội. Các hoạt cảnh vui chơi, ca hát, sinh hoạt hàng ngày của các hoàng tử và công chúa được tái hiện sinh động trong vườn Cơ Hạ. Chương trình “Thời trang cung đình và ký ức Huế xưa” trong không gian lộng lẫy, lấp lánh ánh vàng và hoa đăng của lầu Tứ Phương Vô Sự, hình bóng của các vị Vua, Hoàng hậu, Quan viên, Hoàng tử, Công chúa và giai nhân trong quá khứ như đang hiện về và vẫn còn đó đâu đây giữa hiện tại.
Bên cạnh đó, Đêm Hoàng Cung còn có các chương trình: Sắp đặt mặt nạ Tuồng Huế, thưởng thức Ngự Trà, thư pháp, triển lãm đồ gốm, nghệ thuật diều Huế… tạo nên một chuỗi hoạt động liên hoàn trong Đại Nội, giúp du khách có những trải nghiệm và khám phá không thể quên khi đến với Festival Huế 2016.
* Chương trình giới thiệu Tinh hoa nghệ thuật truyền thống Huế "Về miền Hương Ngự", ngày 01/5 và 02/5/2016 (chương trình chính thức19h30 ngày 2/5/2016) tại đình làng Kim Long:
“Về miền Hương Ngự” là chương trình tôn vinh các giá trị nghệ thuật truyền thống Huế, các giá trị di sản từ vật thể đến phi vật thể sẽ được diễn ra tại Đình làng Kim Long cổ kính - một địa danh nổi tiếng của vùng đất sông Hương, núi Ngự:
“Kim Long lắm phủ nhiều chùa
Vườn hoa cây cảnh bốn mùa xanh tươi”
Đến với chương trình “Về miền Hương Ngự” du khách được thả hồn vào các giai điệu của những bản hòa âm cổ nhạc mang tính bác học và hàn lâm của Nhã nhạc cung đình Huế - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và các bài bản Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chương trình còn giới thiệu các bộ sưu tập áo dài xứ Huế kết hợp nghệ thuật trình diễn sinh động trên nền nhạc nhẹ nhàng sâu lắng. Ngoài ra, quý khách còn được nhâm nhi tách trà Sen nóng hổi hòa quyện với hương vị ngọt dịu tự nhiên từ bánh trái của vùng đất nức tiếng Kim Long - Huế. Không dừng ở đó, người tham dự chương trình còn được chiêm ngưỡng những hình ảnh, tác phẩm nghệ thuật về Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế với chiều dài lịch sử hơn 700 năm. Đặc biệt, du khách được tự mình tham gia các trò chơi dân gian, nhận những món quà thú vị dành cho người thắng cuộc. Kết thúc chương trình, quý khách sẽ tự tay mình thả những chiếc đèn hoa đăng xuống dòng Sông Hương, mang theo ước nguyện an lành của du khách về một lần khám phá, trải nghiệm di sản văn hóa Cố đô, để lại ấn tượng đẹp không bao giờ quên.
* Lễ hội Quảng Chiếu, 20h00 ngày 01/5/2016 tại Công viên Thương Bạc:
Từ những ngày đầu du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã hòa mình với tín ngưỡng và văn hóa bản địa hình thành nên Phật giáo dân tộc. Ngày càng bén rễ sâu trong đời sống xã hội, phát triển cùng dân tộc, Phật giáo đã để lại những ảnh hưởng sâu đậm trong lịch sử, văn hóa – xã hội, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Tinh thần “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” với tư tưởng “hộ quốc an dân” đã trở thành nếp sống muôn đời của hàng đệ tử Phật. Với truyền thống ấy, xuất phát từ lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật nhằm phục vụ dân tộc, phục vụ chúng sanh, Tăng Ni, Phật tử Thừa Thiên Huế luôn tích cực trong mọi hoạt động Phật sự theo phương châm “Đạo Phật – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, góp phần cùng nhân dân xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân bản, văn minh và tiến bộ; nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình, đoàn kết phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh cùng hướng tới tương lai.
Lễ hội Quảng Chiếu hôm nay là kết tinh tâm nguyện tha thiết của Tăng Ni, Phật tử Thừa Thiên Huế cầu mong đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp, thế giới thoát nạn binh đao, chúng sanh an lạc, hạnh phúc. Lễ hội được thể hiện qua nghi lễ tâm linh hòa quyện biểu diễn nghệ thuật bằng vũ điệu lục cúng hoa đăng với nguồn năng lượng lan tỏa, ánh sáng từ bi và trí tuệ giải thoát của Đức Phật đến khắp không gian, những nơi tối tăm và uẩn khuất nhất của tâm thức mỗi con người, mỗi chúng sanh.
Lễ hội Quảng Chiếu sẽ diễn ra vào ngày 1/5/2016 tại Công viên Thương Bạc (18h00: Cử hành nghi lễ An vị đàn tràng, 20h00: Lễ hội chính thức); Ngoài ra còn có triển lãm và Ẩm thực chay từ 29/4 - 04/5/2016 tại Trung tâm VHPG Liễu Quán (ngày 29/4: 15h30 khai mạc triển lãm, 16h00 khai mạc Ẩm thực chay).
* Lễ hội đường phố các nước Đông Á - Mỹ La Tinh, 01/5 và 03/5/2016 trên những đường phố chính trong thành phố Huế:
Những kỳ Festival Huế qua, Lễ hội đường phố luôn tạo ra không khí vui tươi rộn ràng, khuấy động một không gian rộng lớn, nơi công chúng và du khách thực sự hòa mình vào lễ hội.
Năm nay, Lễ hội đường phố với chủ đề “Di sản và sắc màu văn hóa” của các đoàn nghệ thuật Đông Á - Mỹ La tinh tiếp tục duy trì và phát triển, trong không khí tưng bừng, đầy sắc màu văn hóa của nhiều quốc gia thành viên Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ La tinh (FEALAC). Với sự cộng hưởng giữa tài năng điêu luyện của các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam hòa cùng sự hào hứng và nhiệt thành của công chúng sẽ tạo nên một không gian thắm tình hữu nghị tại Festival Huế 2016.
Lễ hội đường phố sẽ diễn ra vào các buổi chiều ngày 01/5 và 03/5/2016 trên những đường phố chính trong thành phố Huế, lịch trình như sau:
- Ngày 01/5: 15h30 khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (41A đường Hùng Vương), 16h15 xuất phát ra đường Hùng Vương hướng đến đường Lê Lợi, tại ngã tư Hùng Vương – Lê Lợi (chân cầu Trường Tiền, trước Khách sạn Saigon Morin) dừng lại biểu diễn, sau đó theo đường Lê Lợi tiến đến chân cầu Phú Xuân (Trung tâm Dịch vụ Festival - 11 Lê Lợi), đến18h00 kết thúc.
- Ngày 03/5: 15h30 xuất phát tại Trung tâm Văn hóa TP Huế (65 Trần Hưng Đạo) ra đường Trần Hưng Đạo hướng về cầu Trường Tiền, đến bùng binh phía bắc cầu Trường Tiền dừng lại biểu diễn, sau đó tiếp tục đi về hướng cầu đến Gia Hội, vòng qua bùng binh cầu Gia Hội rồi quay về lại Trung tâm Văn hóa TP Huế, đến 18h00 kết thúc.
* Lễ Tế Giao, 0h05 ngày 29/4/2016 tại Đàn Nam Giao:
Lễ Tế Giao là một lễ hội truyền thống của triều Nguyễn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà. Lễ Tế Giao năm nay sẽ được diễn ra trong không khí trang nghiêm, bài bản, đầy đủ nghi thức truyền thống. Từ sự thực chất, thành tâm, đáp ứng nhu cầu tâm linh tốt đẹp, Lễ Tế Giao ngày càng đi vào lòng dân và nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân.
* Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn, 19h30 ngày 01/5/2016 tại công viên Trịnh Công Sơn:
Được hình thành từ ý tưởng và bối cảnh năm 2016 vừa tròn 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chương trình âm nhạc “Người đi hành hương” sẽ là sự tri ân và tưởng nhớ những cống hiến của nhạc sĩ cho nền âm nhạc Việt Nam.
“Người đi hành hương” chính là sự trở về với bản thể âm nhạc của Trịnh Công Sơn, trở về với xứ Huế, vùng đất nơi ông viết bài hát đầu tiên và rất nhiều ca khúc tuyệt diệu khác. Đó cũng là hành trình trở về với Mẹ, người đã “dạy cho con tiếng nói quê hương” và sâu xa hơn nữa là trở về với đạo Phật như lời ông: “Từ những ngày còn trẻ tôi đã đọc kinh và thuộc kinh Phật… Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây góp nhặt được còn có lời kinh kệ vô tình nằm ở đấy”.
Đêm nhạc sẽ được thể hiện một cách sâu lắng và bình dị, với nhạc cụ chủ yếu là guitar, như cách nhạc sĩ đã hát vào những năm tháng đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Cách dàn dựng sân khấu, thiết kế ánh sáng và hình ảnh của chương trình cũng thể hiện theo phong cách này.
Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 19h30 ngày 01/5 tại Công viên Trịnh Công Sơn, trước đó là chương trình nhạc cộng đồng từ 16h00 - 19h00.
* Chương trình áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu”, 20h00 ngày 30/4/2016 tại Bia Quốc Học:
Từ trong tâm khảm người dân Việt Nam, áo dài đã là một huyền thoại, là linh hồn dân tộc và mang trong mình vẻ đẹp trường tồn, không chỉ mang tầm vóc của một đất nước mà còn là thương hiệu trên trường quốc tế.
Có thể nói rằng không nơi nào chiếc áo dài xuất hiện thướt tha, đẹp hơn ở Huế, từ sự đơn sơ, mộc mạc của đại thể người dân, cho đến sang trọng, quý phái của các bậc vua chúa.
Qua các kỳ Festival Huế, Lễ hội Áo dài luôn có những chủ đề sáng tạo mới, tạo nên dấu ấn đậm nét khó quên với du khách, là niềm tự hào của người dân xứ Huế. Đây là chương trình tôn vinh và giữ gìn vẻ đẹp của trang phục truyền thống được xem là Quốc phục của Việt Nam.
Với sự góp mặt của hơn 10 nhà thiết kế từ 3 miền Bắc, Trung, Nam, chương trình áo dài Festival Huế 2016 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều phong cách đa dạng và trên hết là tạo nên một đêm huyền thoại để tôn vinh chiếc áo dài.
Sân khấu Bia Quốc Học sẽ biến thành không gian đậm màu sắc Huế, với sự góp mặt của các hoa hậu, người mẫu chuyên nghiệp và hơn 100 diễn viên, cùng các ca sĩ nỗi tiếng như: Quang Linh, Vân Khánh, Quang Hào… dưới sự chỉ huy của Đạo diễn kỳ cựu Đinh Anh Dũng, chương trình sẽ mang đến cho du khách những rung cảm sâu đậm nhất khi đến với Festival Huế 2016.
Ngoài ra, còn có Lễ hội “Hương xưa làng cổ”, 30/4 đến 02/5/2016 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền; Lễ hội “Chợ quê ngày hội”, 30/4 đến 04/5/2016 tại cầu ngói Thanh Toàn, thị xã Hương Thủy; Lễ hội thiếu nhi “Sắc màu tuổi thơ”, 30/4 đến 02/5/2016 tại Nhà thiếu nhi Huế và công viên Nguyễn Văn Trỗi; Chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, 19h30 từ ngày 30/4/2016 đến 03/5/2016 tại các sân khấu trong Đại Nội và Cung An Định và Chương trình nghệ thuật Bế mạc, 20h00 ngày 04/5/2016 tại Ngọ Môn - Kỳ Đài.
CNTT (tổng hợp)